Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào hôm nay đã khang trang và khác xưa rất nhiều. Ảnh: Phạm Yến |
Cách đây 73 năm, xã Tân Trào được Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước tháng 8/1945. Với người dân ở xã Tân Trào, ký ức về những sự kiện ngày ấy vẫn còn sống mãi, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và là động lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Hoàng Ngọc kể lại với phóng viên TTXVN những sự kiện lịch sử từng diễn ra tại khu căn cứ địa cách mạng Tân Trào. Ảnh: Phạm Yến |
Cây đa Tân Trào, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Yến |
Đến với thôn Bòng, một trong những thôn điển hình về phát triển kinh tế của xã Tân Trào, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay đang diễn ra ở nơi đây. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 36 triệu đồng/năm, số hộ nghèo chỉ còn 5 hộ. Ông Ma Văn Yên, Trưởng thôn Bòng cho chúng tôi biết: Thôn hiện có 177 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc Tày, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Kể từ khi triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ - thuật vào sản xuất… và từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ gia đình chị Hoàng Thị Phong, người dân tộc Nùng, hiện đang trồng 2.000 cây thanh long, có thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.
Nhờ trồng thanh long, gia đình chị Hoàng Thị Phong ở thôn Bòng, xã Tân Trào đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên quê hương cách mạng. Ảnh: Phạm Yến |
Người dân ở thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào tập hợp cùng nhau thành lập Hợp tác xã sản xuất chè an toàn, xây dựng thương hiệu chè Vĩnh Tân. Ảnh: Phạm Yến |
Luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, năm 2014, chính quyền và nhân dân nơi đây đã đưa Tân Trào trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Trào, từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của người dân trong xã được nâng lên. Hiện tại, tất cả các thôn đều có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; trên 97% hộ dân được sử dụng điện; 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100% đường liên xã, trục chính được nhựa hóa; thu nhập bình quân đạt 28,3 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,49%...
Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương ngày nay. Ảnh: Phạm Yến |
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: Phạm Yến |
Phấn khởi với những đổi thay đang diễn ra nơi đây, ông Hoàng Cao Khải cho chúng tôi biết thêm, xã sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng và phát triển nhiều mô hình mẫu về phát triển kinh tế; kêu gọi các nhà đầu tư đến xây dựng các khu dịch vụ, du lịch... Xã Tân Trào phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/ năm.
Vũ Quang Đán - Phạm Yến