Đồng bào dân tộc Tà Ôi biểu diễn điệu múa truyền thống phục vụ du khách. Ảnh: Hoàng Tâm |
Đây chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Hoạt động tháng 6 với sự tham gia của khoảng 90 đồng bào của 12 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Chăm) và 20 nghệ nhân dân tộc Ê Đê, 10 nghệ nhân của 05 cặp vợ chồng các dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Ba Na cùng các bạn trẻ Tây Nguyên…
Chương trình “Âm vang khúc hát truyền thống - Dân ca, hát ru” với chủ đề “Từ tay mẹ” diễn ra tại làng dân tộc Giẻ Triêng. Đại diện đồng bào sẽ giới thiệu nét văn hóa truyền thống gia đình các dân tộc Tây Nguyên, chia sẻ các câu chuyện về gia đình và nếp sống của mình qua những câu hát ru, hoạt động chế tác nhạc cụ, dệt vải truyền thống. Đồng thời, đồng bào cũng giới thiệu mâm cơm gia đình trong mỗi gia đình của đồng bào Tây Nguyên và bên cạnh đó, các nghệ nhân sẽ trình diễn, diễn xướng khúc dân ca, hát ru với chủ đề “Từ tay mẹ” của đồng bào Tây Nguyên và các dân tộc.
Ngày hội Văn hóa gia đình của cộng đồng các dân tộc sẽ diễn ra vào ngày 28/6. Đây là ngày hội văn hóa gia đình các dân tộc đại diện cho 3 vùng miền thông qua các trò chơi tập thể sôi động, tổ chức thi nấu ăn truyền thống, thi đấu thể dục thể thao biểu diễn các tiết mục văn nghệ… Qua đó, đồng bào các dân tộc giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt mối thân tình và cũng là cơ hội để mỗi gia đình nhỏ được gắn kết với đại gia đình “Ngôi nhà chung”.
Lễ dâng y Kathina được tổ chức tại chùa Khmer. Ảnh: Hoàng Tâm |
Cũng tại không gian Làng Văn hóa, các em thiếu nhi sẽ được tham gia khóa học “Búp sen hồng” và chương trình vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Tây Nguyên trong em”, mang tới cho các bạn nhỏ một mùa hè với nhiều ý nghĩa thực sự, được giao lưu học hỏi với nhau, và hơn hết là được học hiểu những điều hay, ý đẹp về đời, trải nghiệm đời sống tu hành chốn thiền môn, được học giáo lý, được nghe giảng các bài pháp về đạo hiếu, đạo làm con, đạo làm người phù hợp với tuổi thơ của mình.
Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng sẽ được tái hiện lại trong tháng 6 như: Lễ mừng nhà mới của đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận). Đối với đồng bào dân tộc Chăm, ngôi nhà là không gian sống động linh thiêng. Đồng bào dân tộc Chăm nhóm Bà La Môn, tỉnh Ninh Thuận về hoạt động hàng ngày tại Làng đã làm lễ “nhận đất nhận nhà”. Từ đây, ngôi nhà cùng với đền tháp sẽ trở thành linh hồn, là “trái tim”, niềm tự hào của người Chăm. Sau lễ mừng nhà mới bà con sẽ múa hát trên đền tháp.
Đồng bào Ê Đê tổ chức kết nghĩa anh em cùng với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: dân tộc Raglai, dân tộc Cơ Tu, dân tộc Tà Ôi – những người anh em đang hoạt động hàng ngày tại Làng để cùng nhau gắn kết, vượt qua khó khăn, đồng lòng cùng bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Du khách không chỉ được chứng kiến những nghi thức độc đáo, riêng biệt trong buổi lễ mà còn được hòa mình vào các trò chơi, thưởng thức rượu cần, hòa cùng tiếng cồng chiêng, đàn đá, vòng xoang...
Đồng bào Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk tái hiện Lễ cúng sức khỏe. Đây là nghi lễ không thể thiếu trong vòng đời của đồng bào dân tộc Ê Đê. Lễ cúng mừng sức khỏe thể hiện lòng yêu quý của con cháu, tôn kính những người có công trong họ tộc và kính mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh.
Đồng bào dân tộc Raglai trình diễn văn nghệ sau ngày hội. Ảnh: Hoàng Tâm |
Vào các dịp cuối tuần, tại không giang Làng cũng sẽ diễn ra các chương trình giao lưu dân ca, dân vũ “Ôi bến nước Tây Nguyên” với các tiết mục dân ca, dân vũ, điệu hát về tình ca bến nước Tây Nguyên; diễn xướng cồng chiêng và các loại nhạc cụ mang sắc màu Tây Nguyên.
Hằng ngày, đặc biệt là vào cuối tuần, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu các chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm và chùa Pháp Ấn... giúp du khách sẽ có những trải nghiệm thực sự thú vị tại “Ngôi chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.