Thắm tình công dân, nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk

Thắm tình công dân, nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk

Cả nước đang trải qua đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với nhiều gian nan, thử thách. Trong bối cảnh ấy, hình ảnh những chuyến tàu xe chở thiết bị y tế và nông sản tiếp tế cho vùng tâm dịch đã vẽ nên bức tranh tươi sáng về tình công dân, nghĩa đồng bào. Tại Đắk Lắk, các cá nhân, tổ chức, đơn vị đã có nhiều hoạt động san sẻ khó khăn với người yếu thế, người dân khu phong tỏa và tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Thắm tình công dân, nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk ảnh 1Chương trình Siêu thị di động 0 đồng được Thành đoàn Buôn Ma Thuột phối hợp triển khai từ ngày 31/7 nhằm hỗ trợ cho người yếu thế. Ảnh: TTXVN

Siêu thị di động 0 đồng

Chương trình Siêu thị di động 0 đồng được Ban Thường vụ Thành Đoàn Buôn Ma Thuột phối hợp với các đơn vị triển khai từ ngày 31/7. Chương trình vận hành theo hình thức dùng xe tải chở rau củ quả, nhu yếu phẩm đến các điểm hỗ trợ. Tại mỗi điểm, đoàn viên thanh niên bán các mặt hàng với giá 0 đồng cho người neo đơn, người khuyết tật, mua bán ve chai, vé số trên địa bàn thành phố, theo danh sách địa phương đã xác nhận.

Phó Bí thư phụ trách Thành Đoàn thành phố Buôn Ma Thuột H’Hương Bkrông cho biết, chương trình Siêu thị di động 0 đồng được thực hiện sau khi thành phố Buôn Ma Thuột giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 24/7. Chương trình nhằm chia sẻ khó khăn với người yếu thế, thu nhập không ổn định. Việc tổ chức chương trình nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do dịch.

Thắm tình công dân, nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk ảnh 2Chương trình Siêu thị di động 0 đồng được Thành đoàn Buôn Ma Thuột phối hợp triển khai từ ngày 31/7 nhằm hỗ trợ cho người yếu thế. Ảnh: TTXVN

Sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự đóng góp tích cực của các nhà vườn, nhà hảo tâm. Trong 5 ngày (30/7 - 3/8), chương trình nhận được 5 tấn gạo, hơn 9 tấn rau củ quả các loại, 200 kg miến cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết thực khác; trao hơn 1.000 phần quà hỗ trợ người yếu thế. Lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia chương trình được phát thẻ và trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chắn ngăn giọt bắn để đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.

Phó Bí thư Thành Đoàn H’Hương Bkrông nhấn mạnh, hiện nay, chương trình đã dừng việc hỗ trợ tại các điểm theo hình thức tập trung. Thay vào đó, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tiếp tục duy trì đội hình hỗ trợ người dân mùa dịch tại 21 xã, phường; rà soát, trao tận nơi, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng yếu thế.

Sau khi Thành Đoàn Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm, Đoàn Thanh niên cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thống Nhất đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của phường triển khai chương trình này. Trong hai ngày 8 - 9/8, phường đã phát 200 suất gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch UBND phường Thống Nhất Trịnh Như Ngọc cho biết, dự kiến chương trình sẽ phát theo từng cụm ở các phường, xã. Đối với những người dân không đến được, tình nguyện viên sẽ mang nhu yếu phẩm đến tận gia đình để trao. Sản phẩm được lấy từ những địa chỉ có xuất xứ rõ ràng, phân theo khu vực thực phẩm khô, thực phẩm tươi, gia vị… để người dân dễ dàng lựa chọn.

Thắm tình công dân, nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk ảnh 3 Nhu yếu phẩm trong chương trình “Chuyến xe yêu thương” trước khi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch. Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thu, trú tại phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột sống một mình với nguồn thu nhập từ nghề bán vé số. Dịch diễn biến phức tạp, bà không đi bán được, cuộc sống khó khăn càng khó khăn hơn. Khi được tình nguyện viên đến tận nơi trao 5kg gạo và rau củ quả, nhu yếu phẩm, bà xúc động chia sẻ, món quà là nguồn động viên to lớn giúp bà vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch.

Hoàn cảnh của bà Trần Thị Mai, tạm trú phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột cũng éo le không kém khi chồng và em gái bị liệt, gia đình nuôi hai cháu nhỏ. Hàng ngày, bà tranh thủ buổi tối đi nhặt ve chai, bán kiếm tiền trang trải. Cầm phần quà do tình nguyện viên trao, bà Mai không cầm được nước mắt và cảm ơn chương trình đã giúp đỡ gia đình có thêm lương thực để trang trải trong những ngày tháng khó khăn này.

Thắm tình công dân, nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk ảnh 4Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch ở các huyện. Ảnh: TTXVN

0 đồng, một con số ngỡ chẳng mua được gì, vậy mà đã trao lương thực, trao yêu thương cũng như tiếp thêm động lực cho các hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Buôn Ma Thuột. Dự kiến từ ngày 14 - 17/8, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đơn vị tài trợ sẽ tổ chức Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng”, trao 500 vé mua sắm (mỗi vé trị giá 300 ngàn đồng) các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, vật dụng y tế cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch trên địa bàn thành phố tại địa chỉ 66 Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột.

Buôn giúp buôn, người giúp người

Tính đến 16 giờ ngày 9/8, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 410 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Nhiều khu vực, địa phương ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để khoanh vùng, dập dịch. Từ đó, nhiều hành động đẹp xuất hiện do "buôn giúp buôn, người giúp người" hỗ trợ người dân.

Buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Púk bị phong tỏa từ ngày 20/7 do có hai ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Chính quyền từ huyện đến xã cùng nhà hảo tâm đã tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 98 hộ dân với gần 400 nhân khẩu trong buôn, định kỳ hỗ trợ 3 ngày/lần. Đặc biệt, hội, đoàn thể buôn Đrao, buôn Ktơng Drun (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đã tích cực vận động, hỗ trợ nhu yếu phẩm, nông sản cho người dân buôn Adrơng Điết trong những ngày qua.

Tại huyện Krông Bông, địa phương đã có 56 ca mắc COVID-19, trong hai ngày 24 và 27/7, UBND huyện ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 xã Cư Đrăm, Cư Pui, Yang Mao và 4 buôn của xã Ea Trul. Huyện đã hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân khu phong tỏa với 15kg/khẩu. Ngoài ra, nhân dân các dân tộc, tổ chức, cá nhân, tập thể trên địa bàn huyện đã tích cực hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân các khu phong tỏa.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Krông Bông cho biết, trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch càng thấy rõ tinh thần tương thân tương ái, sự đùm bọc yêu thương nhau giữa người với người. Nhờ sự cứu trợ, giúp đỡ, giám sát nhau giữa các hộ dân cùng sự quyết liệt chống dịch của huyện, tình hình dịch trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo. Các ca dương tính mới chủ yếu là công dân về từ vùng dịch và được cách ly ngay.

Tại tỉnh Đắk Lắk, hỗ trợ người dân khu phong tỏa, khu cách ly và lực lượng tuyến đầu chống dịch trong những ngày qua còn là những trang thiết bị y tế được trao tặng, những suất quà nghĩa tình, những bếp cơm nóng hổi chan chứa tình thương. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư M’Gar đã thành lập 13 bếp ăn tình nguyện, hàng ngày cung cấp gần 2.000 suất cơm miễn phí cho người dân đang cách ly y tế tập trung và lực lượng thực hiện công tác phòng, chống dịch. Dự kiến bếp ăn sẽ duy trì cho đến khi gỡ các chốt kiểm soát dịch, người dân hoàn thành cách ly.

Thắm tình công dân, nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk ảnh 5Hội Chữ thập đỏ huyện M’Đrắk phối hợp với nhà hảo tâm nấu cơm hỗ trợ người dân khu cách ly tập trung của huyện. Ảnh: TTXVN

Tại Đắk Lắk, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện đã tích cực thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Người dân, doanh nghiệp một mặt ủng hộ nông sản cho các chương trình Siêu thị 0 đồng, bếp ăn tình nguyện, một mặt tích cực ủng hộ trang thiết bị y tế, kinh phí phòng, chống dịch cho Mặt trận Tổ quốc các cấp. Nhiều phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của ngành Y tế cũng như nhân dân khu vực bị cách ly, phong tỏa; đứng ra là cầu nối vận động, tài trợ, san sẻ khó khăn và trao gửi yêu thương. Với những gia đình phải đi cách ly tập trung hoặc trong khu phong tỏa, hội đoàn thể đã tích cực duy trì việc cung ứng cỏ, thức ăn cho gia súc gia cầm để các gia đình yên tâm cách ly.

Bà Trần Thị Phương Thu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk cho biết, Hội là cầu nối đã vận động, hỗ trợ, tặng quà nhiều đợt để tiếp sức cho ngành Y tế chống dịch. Trong đợt dịch thứ 4 này, Tỉnh hội phối hợp với Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tổ chức Chương trình “Chuyến xe yêu thương” chở lương thực thực phẩm, quần áo mới hỗ trợ người dân khu phong tỏa các huyện Krông Bông, Krông Năng và sắp tới là Krông Ana, Krông Pắk, M’Đrắk. Điểm ưu việt của chương trình là kết nối các hoạt động hỗ trợ nhỏ, lẻ thành hoạt động hỗ trợ trọng tâm, có địa chỉ cụ thể, được nhiều nhà hảo tâm hưởng ứng.

Mới đây, ngày 5/8, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn 7317 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có phương án đảm bảo tốt việc chăm sóc sức khỏe người dân vùng có dịch và rà soát, kịp thời thực hiện các chính sách về an sinh xã hội theo quy định, không để trường hợp nào bị thiếu đói, bỏ lại phía sau.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các tấm lòng hướng về cộng đồng, về người yếu thế quý giá hơn bao giờ hết, điều đó đã thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam bao đời nay. Những hành động hỗ trợ tại Đắk Lắk dù nhỏ hay lớn cũng đã tiếp sức cho người yếu thế, cho lực lượng tuyến đầu cùng 49 dân tộc anh em trên địa bàn vững niềm tin, đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm