Đường đến điểm Trường Mầm non Suối Ngang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên đầy gian nan, vất vả. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
5 giờ sáng, khi nhiều người vẫn đang ngon giấc thì nhóm giáo viên công tác ở các điểm trường vùng cao thuộc trường mầm non Quang Huy, huyện Phù Yên đã sẵn sàng tư trang, đồ dùng để đến lớp. Hành trang quen thuộc của các cô là những đôi ủng, những bộ áo mưa. Dù nắng hay mưa, thì họ vẫn luôn mặc áo mưa và đi ủng, bởi không như đồng bằng, ở vùng cao mùa nào cũng có sương mù và đường đất, luôn trơn trượt, lầy lội. Điểm trường của các giáo viên nơi xa nhất là hơn 25km, nơi gần thì khoảng 15km. Vì thế, ngày nào cũng vậy, họ phải dậy thật sớm để đi đến trường.
Đường đến điểm Trường Mầm non Suối Ngang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên đầy gian nan, vất vả. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Hành trình đến điểm trường vừa bắt đầu được một lúc thì những con đường nhựa bằng phẳng bắt đầu lùi dần về phía sau. Thay vào đó, là những con đường đất chỉ vừa đủ để hai xe máy tránh nhau. Giữa không gian im ắng của bản làng vùng cao, lúc này chỉ le lói những ánh đèn pha xe máy và tiếng gầm rú của động cơ khi phải vượt lên những con dốc cao chót vót. Dù mới chớm đông, nhưng thời tiết vùng cao lúc nào cũng lạnh hơn vì bị sương mù bao phủ. Sau gần 1 tiếng vượt qua màn sương mù dày đặc, điểm trường đầu tiên đã dần hiện ra. Trước khi chia tay đồng nghiệp để rẽ vào điểm trường này, các cô giáo đã tranh thủ nghỉ lấy sức và ăn vội bữa sáng là những gói xôi nhỏ được mang theo từ nhà.
Điểm Trường Mầm non Suối Ngang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên là một căn nhà tạm, còn rất nhiều thiếu thốn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Vẫn chưa hết mệt mỏi sau quãng đường dài, cô giáo Cầm Thị Thủy, điểm trường mầm non bản Suối Ó, xã Quang Huy bộc bạch, đây là năm đầu tiên chị lên giảng dạy ở vùng cao. Khi trước đi dạy thuận tiện hơn nhiều, nên khi mới lên đây cảm thấy rất khó khăn. Quãng đường đi lại vừa xa, vừa khó đi, nhất là vào những hôm trời mưa thì thật là vất vả. “Khi được thuyên chuyển lên vùng khó khăn này cũng có suy nghĩ muốn xin ở lại. Nhưng qua tuần đầu tiên được trải nghiệm, cảm thấy yêu mến các con vì học sinh rất ngoan, khi các cô đến thì đã chờ ở lớp rồi. Đấy là động lực khiến cho bản thân cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa bởi các lớp anh chị đã ở đây, đã làm được thì mình cũng làm được”, cô Cầm Thị Thủy suy tư nói.
Giờ học thể dục của các em điểm Trường Mầm non Suối Ngang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Sau khi hai đồng nghiệp rẽ vào điểm trường gần hơn, chỉ còn một cô giáo tiếp “độc hành” để đến với điểm trường xa nhất, khó khăn nhất thuộc bản Suối Ngang, xã Quang Huy. Trước khi đi, Hà Thị Hoa - cô giáo với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng giọng nói toát lên đầy sự tự tin cho biết, hôm nay không mưa mà chỉ có sương mù nên đường đi chỉ hơi trơn trượt, đỡ vất vả hơn bình thường rất nhiều. Những hôm trời mưa chỗ nào không đi được thì bỏ xe máy lại rồi tiếp tục đi bộ. Dù sương mù lạnh buốt nhưng vẫn phải thắp đèn để đi, để đến lớp cho kịp thời gian.
Cô giáo điểm Trường Mầm non Suối Ngang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên đón học sinh đến lớp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Cô giáo Hà Thị Hoa chia sẻ, do đặc thù là điểm trường lẻ, ít học sinh nên trong một lớp có đến 3 lứa tuổi cùng theo học. Những trẻ lớn hơn thì đã nhận thức được, còn với trẻ nhỏ mới đi học thì cô giáo phải rèn từ cách ngồi, cách đi, cách nói. Giảng dạy ở lớp học ghép khó hơn rất nhiều, nên trong việc soạn giáo án và truyền đạt cho các con phải tỉ mỉ thì các con mới có thể hiểu được. Không những thế, do các em là người dân tộc, lại còn nhỏ nên tiếng phổ thông còn chưa hiểu nhiều nên trong lúc giảng dạy phải vừa nói tiếng phổ thông, vừa nói tiếng dân tộc với trẻ. Đồng thời, vừa làm vừa nói để trẻ hiểu và làm cùng cô thì mới có thể dạy các con.
|
Giờ học của cô và trò điểm Trường Mầm non Suối Ngang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Ở điểm trường vùng cao, các em học sinh học được học hai buổi. Khi trời bắt nhá nhem tối là lúc tan học và cũng là lúc cô giáo lại bắt đầu hành trình vượt qua con đường cheo leo men theo những ngọn núi để về nhà. Hơn hai năm công tác ở vùng cao, cũng là từng đấy thời gian cô giáo Hà Thị Hoa phải vượt qua hoàn cảnh như thế. “Chồng cũng đi làm xa, con thì còn nhỏ nên nhiều khi muốn ngủ lại trường nhưng không yên tâm nên hàng ngày phải đi về để chăm sóc gia đình, con cái. Nhưng cũng có lúc mưa kéo dài nhiều ngày thì vẫn phải ở lại bản. Những lúc đó rất nhớ nhà, thương con, nhưng vì nhiệm vụ, cũng thương học sinh trên này nên phải khắc phục khó khăn”, cô giáo Hà Thị Hoa xúc động nói.
Bà Doanh Thị Loan, Hiệu trưởng trường mầm non Quang Huy cho biết, giáo viên mầm non 100% là nữ nên việc công tác ở vùng cao rất khó khăn. Đường đi thì gian nan, điện cũng không có. Nếu các cô lên ở hết một tuần trên đấy thì thức ăn cũng không đáp ứng được và ảnh hưởng đến sức khỏe. Cô hiệu trưởng mong rằng trong những năm tới những bản đặc biệt khó khăn sẽ được quan tâm hơn để hỗ trợ làm đường, kéo điện lưới. Hiện nay, các cô giáo giảng dạy ở vùng cao dù rất vất vả nhưng vẫn cố gắng để duy trì tốt công tác chuyên môn. Nhà trường luôn động viên kịp thời để các cô yên tâm công tác tốt.
Hữu Quyết – Nguyễn Chiến