Thái Nguyên: Mưa lũ làm 1 người chết và nhiều tuyến đường sạt lở

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, từ ngày 28/7 đến sáng 31/7, ở tỉnh liên tục xảy ra mưa, mưa to và rất to làm thiệt hại về người, tài sản, ước tính thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nặng nề cho cuộc sống người dân ở các huyện Định Hóa, Phú Bình, thành phố Sông Công…

Mưa lũ đã cuốn trôi một người dân trú tại xã Bảo Linh, huyện Định Hóa khi người này đi làm qua cầu tràn Làng Vẹ, xã Định Biên. Sau gần 13 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân tại cầu tràn Vằng Chương thuộc xóm Nà To, xã Định Biên. Thiên tai cũng làm một số đường tràn, ngầm tràn bị ngập sâu, sạt lở tại Km9 Quốc lộ 3C lấp 1/2 mặt đường, nhiều đoạn đường liên xã, xóm tại huyện Định Hóa, Phú Lương bị sạt lở taluy dương. Đặc biệt, tại khu vực Đèo So, huyện Định Hóa đã bị sạt lở, gây ách tắc tuyến đường giao thông Quốc lộ 3C từ huyện Định Hóa đi huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Nhiều nhà dân bị nước tràn vào, trong đó có 3 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; hàng nghìn ha lúa bị ngập úng; một số trang trại chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng…

1-z5683564798309_363137dc7765c94d822d7ee06e00a465_20240730220016_20240730222344.jpg
Mưa lớn gây ngập cục bộ tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa. Ảnh: baothainguyen.vn

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo UBND tỉnh cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo địa phương huy động lực lượng, khẩn trương khắc phục hậu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí mai táng cho gia đình có người chết. Đồng thời, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại và báo cáo theo quy định.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đến 7 giờ ngày 31/7, mực nước tại Hồ Núi Cốc đã đạt mức báo động cấp 1 và vẫn đang lên nhanh. Phía vùng hạ du sau tràn vận hành xả lũ (hai bên bờ sông Công) cần đề phòng lũ, ngập úng cục bộ, sạt lở đất có khả năng cuốn trôi người, gia súc, tài sản, cây cối ven sông, suối, ngập cầu tràn…, sạt lở taluy dương, công trình giao thông, thủy lợi, bãi thải, hầm mỏ, ngập úng cục bộ ở những khu vực trũng thấp, khu dân cư, đô thị… Do vậy, các địa phương cần tích cực chủ động biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm