Thực hiện Đề án nâng cấp và mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư trên 200 tỷ đồng xây mới và mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn.
Từ nguồn đầu tư này, Thái Nguyên đã xây dựng mới và mở rộng quy mô trường phổ thông dân tộc nội trú Định Hóa; đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình theo quy mô hiện tại đã được phê duyệt của 3 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở ở các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương; mở rộng quy mô 5 trường phổ thông dân tộc nội trú hiện có...
Theo ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, việc đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thiện, đồng bộ cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn tỉnh đảm bảo đạt chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, nhờ mở rộng cơ sở vật chất trường lớp của các trường phổ thông dân tộc nội trú đã giúp tăng tỷ lệ huy động học sinh là người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh từ 5,65% (năm 2015) lên 8% (tương đương trên 2.400 học sinh) vào năm học 2020 - 2021, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban, ổn định số lượng học sinh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường học, đáp ứng yêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi...
Bên cạnh đó, học sinh dân tộc nội trú tại Thái Nguyên còn được hưởng học bổng theo quy định hiện hành cùng với chế độ hỗ trợ khác như: Miễn giảm học phí và các lệ phí thi, tuyển sinh, hỗ trợ tiền tàu xe, nghỉ hè, nghỉ Tết, học phẩm, tiền điện, nước, bảo hiểm y tế... Học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh đều được tổ chức ăn tập trung, đúng chế độ, đảm bảo an toàn thực phẩm, điều kiện ăn, ở hợp vệ sinh và chăm sóc sức khỏe kịp thời, giúp các em yên tâm, tập trung học tập...
Thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục huy động nguồn lực nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo các trường phổ thông dân tộc nội trú, phấn đấu đưa trường phổ thông dân tộc nội trú trở thành trường hàng đầu về chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Qua đó nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thiểu số, nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoàng Thảo Nguyên