Thái Nguyên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bác sĩ khám sức khỏe cho người cao tuổi huyện Võ Nhai. Ảnh: TTXVN phát
Bác sĩ khám sức khỏe cho người cao tuổi huyện Võ Nhai. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 7/9, tại huyện Võ Nhai, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên tổ chức ra quân “Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023. Đây là hoạt động nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thái Nguyên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Bác sĩ khám sức khỏe cho người cao tuổi huyện Võ Nhai. Ảnh: TTXVN phát

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Dân số và phát triển là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; đến năm 2021, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số với khoảng 8,16 triệu người. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số. Già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thái Nguyên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2Bác sĩ khám sức khỏe cho người cao tuổi tại chương trình. Ảnh: TTXVN phát

Tại tỉnh Thái Nguyên, số lượng người cao tuổi trong những năm gần đây tăng mạnh. Số người trên 60 tuổi hiện có trên 202 nghìn người, chiếm gần 15% dân số của tỉnh. Trong đó, 70% người cao tuổi sống ở nông thôn. Số người cao tuổi tăng là thành tựu của sự phát triển, song vấn đề đó cũng là thách thức không nhỏ bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm nên người cao tuổi gặp không ít bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm và mãn tính.

Tại chương trình, nhiều hoạt động đã được tổ chức như: khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên); truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Điểm nhấn của chương trình là hoạt động diễu hành cổ động của lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Võ Nhai trên các tuyến đường chính của huyện.

Thái Nguyên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 3Diễu hành cổ động tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: TTXVN phát

Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chăm sóc, cải thiện, nâng cao sức khỏe người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm