Tết ấm đến với đồng bào các dân tộc Gia Lai

Với tinh thần không để người dân thiếu đói trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, từ ngày 3/2, tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận và phân bổ gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ nhằm cứu đói cho người dân. Theo đó, đến ngày 8/2 (29 Tết Giáp Thìn), 13 huyện đã hoàn thành việc tiếp nhận và phân bổ, cấp phát xong hơn 600 tấn gạo đến tận tay gần 10.000 hộ nghèo.

GiaLaigao.jpg
Xã Ia Băng, huyện Đak Đoa cấp phát gạo cứu đói của Chính phủ hỗ trợ cho hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đây là những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có nguy cơ thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trung bình một người được nhận hỗ trợ theo định mức 15 kg gạo. Cùng với cấp phát gạo cứu trợ, dịp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp với các ban, ngành, địa phương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức gặp mặt, trao quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội một cách chu đáo, kịp thời để mọi người, mọi nhà vui Xuân, đón Tết yên vui, đầm ấm.

Ngoài những gia đình khó khăn được nhận hỗ trợ của Nhà nước, người dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn luôn nỗ lực phát triển tư duy sản xuất để có cuộc sống ổn định hơn.

Già làng Ra Lan Hlek (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) cho hay, cây lúa nước đã làm cho nhiều hộ dân vùng biên nơi đây thoát nghèo. Trước đây, trên cánh đồng Klăh này, người dân chỉ trồng 1 vụ lúa rẫy vì phải dựa vào nước trời, nửa năm còn lại, ruộng đồng bỏ hoang khô cạn. Từ khi có thủy lợi Ia Mơr, 2 năm nay, xã Ia Mơr đã vận động bà con khai hoang, dẫn nước vào ruộng để canh tác lúa nước 2 vụ. Mùa đầu, hơn 35 ha lúa nước được gieo, năng suất lúa đạt 8-9 tấn/ha, vượt xa so với trồng lúa rẫy. Thấy được hiệu quả, những năm tiếp theo, người dân ra sức khai hoang để trồng lúa nước. Diện tích trồng lúa nước của làng giờ đã lên gần 100 ha. Dân làng giờ không chỉ đủ gạo để ăn mà còn bán ra thị trường, có của ăn, của để.

Thấy người dân làng Klăh trồng lúa nước cho những mùa vàng bội thu, người dân các làng: Hnáp, Khôi, Krông cũng học hỏi, làm theo. Anh Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, chia sẻ: Đưa được cây lúa nước lên vùng biên giới là cả một cuộc cách mạng vì bà con dân tộc thiểu số nơi đây vẫn quen với cách trồng lúa rẫy một vụ, muốn bà con nghe theo, cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi đầu, làm mẫu đến khi có hiệu quả người dân mới nghe theo. Khi ý Đảng hợp với lòng dân, dù khó khăn, vất vả bao nhiêu cũng làm nên thành quả. Nhờ cây lúa nước, người dân không chỉ chủ động về lương thực mà còn có lúa gạo bán ra thị trường. Nhờ đó, năm 2023, xã đã giảm được 27 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo so với năm 2022. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi phấn đấu mỗi năm giảm 3-5% hộ nghèo.

Để cuộc sống của người dân tộc thiểu số vùng biên giới yên bình, không chỉ đảm bảo lương thực mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng.

Già làng Siu Deo, làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ cho biết, ông vẫn luôn thường nhắc nhở thế hệ con cháu trong làng rằng, nhờ Đảng, nhờ cách mạng nên bà con mới có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Do đó, ông tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng của Nhà nước đến với người dân, đặc biệt là chỉ bảo cho mọi người phải biết bảo vệ buôn làng, tuyệt đối không nghe theo kẻ xấu.

Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền này, ông đi từng gia đình để vận động các gia đình, thanh niên trong làng không sử dụng pháo trong dịp Tết, không bị dụ dỗ vận chuyển pháo, may túy qua biên giới trong dịp Tết cũng như trong xuyên suốt thời gian trong năm. Vui Tết nhưng già làng Siu Deo vẫn tuyên truyền cho bà con không được vi phạm pháp luật. Theo quan điểm của già Siu Deo, bà con sống khu vực biên giới phải biết bảo vệ chủ quyền biên cương Tổ quốc vì khi đất nước bình yên, cuộc sống mỗi gia đình mới phát triển được.

Để chung tay bảo vệ cuộc sống bình yên, hiện nay, địa bàn 7 xã biên giới của tỉnh Gia Lai đã thành lập 65 tổ tự quản với 430 thành viên. Đây là lực lượng quan trọng bảo vệ bình yên của mỗi thôn, làng vùng biên giới không chỉ dịp Tết Nguyên đán mà xuyên suốt quanh năm.

Ngày cận Tết, các ngôi làng ở thành phố Pleiku rộn ràng, tươi vui. Không khí Xuân tràn ngập trong từng đường làng, ngõ xóm. Những con đường bê tông sạch sẽ; những hàng rào xanh, con đường hoa hai bên đường được cắt tỉa gọn gàng, chăm sóc chu đáo. Không gian sinh hoạt chung của cộng đồng như nhà rông, nhà văn hóa đều được quét dọn sạch sẽ, trang trí rực rỡ với băng rôn, khẩu hiệu về mừng Đảng, mừng Xuân. Cùng với sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương với những phần quà, hỗ trợ kinh phí để bà con tổ chức Tết, nhiều cơ quan, đơn vị kết nghĩa cũng hướng về cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực.

Như thông lệ, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về chăm lo cho các đối tượng chính sách và đồng bào nghèo dịp Tết Nguyên đán, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Pleiku tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ về làng Thông Yố, xã Ia Kênh để cùng bà con vui “Ngày hội bánh chưng xanh”. Người dân trong làng cùng với cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức gói bánh và giao lưu các tiết mục văn nghệ thắm tình đoàn kết.

Chị Rơ Mah Đăk phấn khởi cho biết, đây là lần đầu chị tham gia chương trình. Chị và bà con rất vui khi được tham gia ngày hội. Vừa làm, mọi người vừa trò chuyện, hỏi thăm nhau về cuộc sống, con cái, động viên nhau cố gắng hơn nữa trong năm mới.Cùng với tổ chức gói bánh chưng, trao tặng bánh chưng cho các hộ dân, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố Pleiku đã huy động sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trao tặng hàng nghìn suất quà gồm các nhu yếu phẩm, như: gạo, dầu ăn, bánh kẹo, chăn màn các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Tết đến, Xuân về rộn ràng trên khắp các nẻo đường phố phường, vùng biên giới, hải đảo. Người dân Gia Lai vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước để yên tâm lao động, sản xuất chung tay xây dựng đất nước thịnh vượng, bình yên.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm