Người dân và cán bô, chiến sỹ trên đảo Trường Sa gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết Kỷ Hội 2019. Ảnh: Hoàng Hùng- TTXVN |
*Quê nhà theo nhịp bước quân hành
26 năm gắn với nghiệp lính, Thiếu tá Phạm Văn Tâm, Chính trị viên Cụm chiến đầu số 1 ở đảo Trường Sa (tên gọi khác là đảo Trường Sa Lớn, không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu cái Tết xa nhà, từng đón Tết ở đâu trên mảnh đất hình chữ S. Tuy nhiên, dù ở đâu thì quê nhà vẫn theo ông trên mỗi chặng hành quân. Người sỹ quan có nước da đen sạm vì nắng gió của biển cả và khuôn mặt rắn rỏi say sưa kể cho chúng tôi về tổ ấm của mình ở quê nhà: Tết đến, Xuân về, người lính đảo dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không tránh khỏi cảm giác nhớ gia đình, nhớ người thân. Nhưng dù nhớ đến đâu thì ai cũng hiểu rằng chắc chắn sẽ không có người vợ nào không vui khi chồng mình hoàn thành sứ mệnh với đất nước, điều đó đã trở thành sức mạnh cho mỗi người lính vượt qua nỗi nhớ để vững vàng tay súng canh giữ tiền tiêu của Tổ quốc.
Mở điện thoại để khoe từng tấm hình của gia đình mình, anh Tâm chia sẻ: “Tất cả mọi người thân vẫn ở quanh chúng tôi. Mỗi bức hình, mỗi dòng tin nhắn gửi đều gắn với những kỷ niệm khó quên, là những món quà có ý nghĩa nhất để người lính vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Để hoàn thành nhiệm vụ thì nỗ lực của người lính chỉ là một nửa, còn lại phải có sự đóng góp nơi hậu phương. Gia đình là điểm tựa, là sức mạnh giúp chúng tôi yên tâm công tác”.
Đại úy Nguyễn Duy Hải (32 tuổi, quê ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), Chỉ huy phó đảo Thuyền Chài, lần đầu đón Tết xa gia đình nhỏ của mình. Sinh ra trong gia đình có truyền thống phục vụ trong quân đội nên từ nhỏ anh đã có mong ước trở thành người lính. Anh Hải cho biết: "Ông nội tôi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, tiếp bước cha ông, nhất là được công tác ở đảo là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Ở đây tôi sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".
Còn với những chàng tân binh vừa xa vòng tay bố mẹ thì đây sẽ là cái Tết quá đặc biệt. Họ có chung niềm tự hào khi trở thành người lính đảo Trường Sa, tự hào khi mang trên mình trọng trách bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng.
Hành trang của những chiến sĩ tuổi đôi mươi mang ra đảo xa còn có những tấm hình, bức thư tay, kỷ vật quê nhà và trên hết là những khát vọng của tuổi trẻ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mùa Xuân đã về trên quần đảo Trường Sa theo những con tàu cập bến từ đất Mẹ. Nơi đảo xa, những người lính gửi theo những cánh sóng, những chuyến tàu trở về đất liền lời hứa chắc tay súng, vững niềm tin để hoàn thành nhiệm vụ. Chiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, 19 tuổi, quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, lần đầu tiên ăn Tết ngoài đảo Đá Lát, cho biết: “Em được nghe nói đến quần đảo Trường Sa rất nhiều qua đài báo, em luôn mong có một lần được ra đảo, được cầm súng bảo vệ Tổ quốc và điều này đã thành hiện thực. Lần đầu tiên ăn tết ngoài đảo, dù sao cũng chạnh lòng nhớ về quê nhà, nhưng ở đảo xa, bên cạnh chúng em lại có một “gia đình lớn” mà ở đó có sự chia sẻ, động viên của những người anh, người chú và hơn hết chúng em có những đồng đội gắn bó thân thiết như anh em”.
Còn chiến sĩ trẻ Phan Vũ, quê Bình Dương vừa nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, tâm sự: “Ngày đầu ra đảo em rất nhớ nhà, nhất là lúc cùng đồng đội gói bánh chưng những ngày giáp Tết. Nhưng với tình yêu thương đùm bọc của đồng đội, sự động viên của các cán bộ khiến nỗi nhớ đó nhanh chóng vơi đi. Chỉ có tình đồng chí, đồng đội, tình yêu biển đảo chúng em mới có thể vượt qua”.
*Tết ấm áp nơi đầu sóng
Tết nơi đầu sóng, ngọn gió dường như đến sớm hơn so với mọi nơi. Đó là khi những cán bộ, chiến sỹ được đón nhận tấm lòng ấm áp của hậu phương hướng về hải đảo thông qua những chuyến tàu chở hàng. Bên cạnh đó, những tình cảm, lời động viên từ hậu phương chứa đựng trong những cánh thư cũng sẽ giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà, thêm vững vàng tay súng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Hái hoa dân chủ, một hoạt động văn hóa của cán bô, chiến sỹ trên đảo Trường Sa mừng xuân Kỷ Hội 2019. Ảnh: Hoàng Hùng- TTXVN |
Những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao là những giây phút thư giãn, đem lại tiếng cười cho người lính. Chiến sĩ trẻ Lê Minh Nhí, quê ở thành phố cảng Hải Phòng, tự nhận mình là đã trót “phải lòng” với Trường Sa sau hơn sáu tháng đóng quân ở đây. Bên bếp lửa rực đỏ đang luộc nồi bánh chưng, Lê Minh Nhí tâm sự: “Gia đình thì ai cũng nhớ, nhưng nhiệm vụ là trên hết, đó là một công việc thiêng liêng và đối với em đó là niềm tự hào. Môi trường biển đảo khắc nghiệt sẽ giúp em rèn luyện được bản lĩnh và ý chí”.
Mỗi năm vào dịp Tết thì đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa lại đầm ấm, đủ đầy hơn. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo đã chuẩn bị nhiều hoạt động để có một cái Tết thật vui tươi, đầm ấm như trong đất liền. Rất nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết được các đơn vị trên đảo phối hợp với nhân dân triển khai như giao lưu thể thao, dọn dẹp vệ sinh, thi bình báo tường, thi gói bánh chưng, hái hoa dân chủ, thi văn nghệ… Người lính có cái tên đặc biệt, Thượng úy Phạm A Vôn Na, Bí thư chi đoàn Cụm chiến đấu số 2, đảo Trường Sa Lớn cho biết: Đêm giao thừa, tôi được chi đoàn lựa chọn là người bình báo tường. Quà tặng cán bộ, chiến sỹ chỉ giản dị là cuốn sổ lưu niệm, dầu gội đầu, bánh xà bông… nhưng rất thiết thực và vui.
Thiếu tá Phạm Văn Tâm, Chính trị viên Cụm chiến đấu số 2, đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn), cũng phấn khởi cho biết: Lương thực, thực phẩm, bánh kẹo Tết đã được chuẩn bị rất đầy đủ. Đơn vị chúng tôi còn tổ chức thi và lựa chọn câu đối hay trong cán bộ, chiến sỹ. Để trang hoàng cho đơn vị đón Tết, nhiều cán bộ, chiến sỹ khéo tay đã biến những cây si, cây dương thành cây hoa mai, cây quất...
Pháo thủ Lương Đức Anh, Cụm chiến đấu số 1, đảo Trường Sa (Trường Sa Lớn), quê ở Hải Phòng, cười tươi rói khi bày tỏ niềm vinh dự và bồi hồi khi lần đầu tiên được đón Tết trên đảo. Lương Đức Anh tâm sự: “Em chỉ mong bố mẹ, người thân ở nhà luôn mạnh khỏe, yên tâm và tin tưởng rằng em và các đồng đội sẽ luôn vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo. Em đã nghe các đồng đội đi trước kể nhiều về Tết ở Trường Sa, chắc chắn sẽ vui lắm”.
Điều đặc biệt của cái Tết nơi đây đó là sự hội tụ đầy đủ các các phong tục vùng miền của cả nước, nào là những đòn bánh tét, cành mai vàng rực rỡ của phương Nam hay những cặp bánh chưng, bánh dày và cành đào đỏ thắm của phương Bắc… tất cả như tô thêm vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây. Hơn thế nữa, tình đồng chí, đồng đội sum vầy và quây quần bên mâm cỗ ngày Tết đã khiến cho Đoàn công tác chúng tôi hiểu hơn về tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, tình đồng chí của người con đất Việt nơi đảo xa.
Một nét riêng biệt ngày Tết ở Trường Sa là bánh chưng gói bằng lá bàng vuông. Trên bàn thờ của các điểm đảo không thể thiếu những chiếc bánh chưng bọc lá bàng vuông nằm xen kẽ với những chiếc bánh chưng truyền thống. Đây là một “đặc sản” mà chỉ có ở Trường Sa, mang hương vị của biển cả, thể hiện sức sống bất diệt trên vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Bữa cơm Tất niên xong, cũng là lúc chúng tôi được hòa mình vào không khí Tết với những cung bậc cảm xúc khó tả. Đêm giao thừa trên đảo Trường Sa, toàn đảo tập trung về hội trường để giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ. Cây hoa dân chủ được làm từ gốc cây phong ba, được trang hoàng bằng những nụ hoa mai vàng và câu đối đỏ, những nhành đào đỏ thắm tượng chưng cho mỗi vùng miền của Tổ quốc. Từng chiến sĩ được mời lên bốc thăm để trả lời những câu hỏi gắn với mùa Xuân, những điệu ví, câu hò được cất lên trong tiếng cổ vũ trong bầu không khí rộn ràng của ngày Tết.
Anh lính trẻ vừa tròn tuổi đôi mươi Dương Quốc Thịnh, quê thôn Thành Ý, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nói với chúng tôi khi vẫn cầm chặt trên tay bông hoa dân chủ: “Lúc cùng đồng đội gói bánh chưng những ngày giáp Tết em thấy rất nhớ nhà. Đặc biệt, đêm 30 Tết đón giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên ti vi, em đã rớm nước mắt. Nhưng với tình yêu thương đùm bọc của đồng đội, sự động viên của các cán bộ khiến nỗi nhớ đó nhanh chóng vơi đi, chỉ có tình đồng chí, đồng đội, tình yêu biển đảo mới có thể giúp vượt qua mọi gian khó”.
Trồng cây trên đảo là một trng các hoạt đông trong những ngày Tết của cán bô, chiến sỹ trên đảo Trường Sa .. Ảnh: Hoàng Hùng- TTXVN |
Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ. Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy đảo Đá Lát, cho biết: Thời điểm trước, trong và sau Tết, cùng với việc tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ đón Tết, chỉ huy đảo yêu cầu cán bộ, chiến sỹ bám sát kế hoạch phòng thủ, tác chiến, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bị nạn. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với cán bộ, chiến sỹ trên đảo.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng xuồng CQ, đảo Đá Lát, cũng khẳng định: Dù vui Xuân đón Tết thì cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chấp hành mọi mệnh lệnh của cấp trên, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đảo tiền tiêu của Tổ quốc./.
Hoàng Nam