Phát biểu tại hội thảo, ông Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Tây Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; nơi đây có không gian văn hóa rộng lớn và phong phú; có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng. Nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với các lễ hội, phong cảnh đẹp. Nhiều địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trong vùng được xác định gắn với những giá trị hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, với những địa danh lịch sử và những nét văn hóa đặc trưng độc đáo, có giá trị đặc biệt hấp dẫn. Đặc biệt, ở Tây Bắc hiện nay, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia để phát triển du lịch, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần thu hút khách du lịch, xoá đói giàm nghèo cho đồng bào bằng du lịch.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại vườn chè trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Anh Vũ |
Tuy vậy, theo ông Hầu A Lềnh, do điều kiện giao thông cách trở, đường xa, kết cấu hạ tầng kém và nguồn lực hạn chế… nên phát triển du lịch và thu hút khách đến với Tây Bắc còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Hội thảo này là hành động thiết thực nhằm thu hút khách du lịch đến vùng Tây Bắc, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và phát triển kinh tế du lịch của các tỉnh Tây Bắc, tạo nên điểm nhấn của du lịch Việt Nam.
Theo thông tin từ các tỉnh Tây Bắc và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch: Trong những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đều có sự tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa với tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân đạt trên 10%. Năm 2013 số lượt khách quốc tế đến Tây Bắc đạt 1,2 triệu lượt (chiếm 16% trong 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng gần 3 lần so với năm 2005; lượng khách nội địa đạt trên 6,5 triệu lượt trong tổng số 35 triệu lượt khách du lịch nội địa). Năm 2014 đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt, chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 10% cơ cấu khách du lịch cả nước. Năm 2015 số khách du lịch 8,9 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 1,6 triệu lượt…
Nhiều đại biểu cho rằng: Tuy số lượng khách du lịch hàng năm đến Tây Bắc tăng nhưng thấp hơn nhiều so với vùng đồng bằng Sông Hồng và các vùng miền khác. Thời gian lưu lại của khách trung bình rất ngắn dưới 1,5 ngày; quy mô khách chiếm từ 5-7% so với cả nước. Khách đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể, do đó hiệu quả kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Các tỉnh Tây Bắc chủ yếu khai thác các sản phẩm có sẵn chưa đầu tư phát triển được các sản phẩm độc đáo, phục vụ cho từng loại khách, vì thế chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, của vùng và của từng địa phương. Công tác thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch vùng còn ít, tính liên kết còn lỏng lẻo, nhất là việc quảng bá trên thị trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn ít và năng lực hạn chế thường bị động hoặc phụ thuộc. Nhiều tỉnh chưa có đơn vị lữ hàng quốc tế, vì vậy việc khai thác thị trường thu hút khách vẫn trông chờ vào các hãng lữ hành ngoài tỉnh và các trung tâm khác gửi khách đến vùng.
Thời gian tới, Tây Bắc ưu tiên phát triển du lịch trở thành vùng du lịch đặc trưng, là điểm đến có thương hiệu với những giá trị trải nghiệm đặc sắc về văn hóa, lịch sử và sinh thái cảnh quan hùng vĩ. Mục tiêu đặt ra là: Du lịch Tây Bắc phải đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội của Vùng. Phấn đấu đến năm 2020 vùng Tây Bắc đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa, với 1.900 cơ sở lưu trú và 40.000 buồng lưu trú; tổng thu du lịch đạt 22.000 tỷ đồng.
Toàn vùng Tây Bắc sẽ quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển 12 khu du lịch quốc gia (Cao nguyên đá Đồng Văn;Thác Bản Giốc; Mẫu Sơn; Hồ Ba Bể;Tân Trào; Hồ Núi Cốc; Sa Pa; Hồ Thác Bà; Đền Hùng; Mộc Châu; Điện Biên Phủ -Pá Khoang; Hồ Hòa Bình); 6 điểm du lịch quốc gia (TP.Lào Cai; Pác Bó; TP.Lạng Sơn; Mai Châu, Mộc Châu, Pá Khoang). Từ đó hình thành các địa bàn trọng điểm du lịch tạo ra những cực hút và điểm nhấn tập trung đồng thời liên kết phát triển các điểm du lịch trong Vùng; quản lý phát triển những điểm đến mang thương hiệu Tây Bắc như Sa Pa, Đồng Văn, Mộc Châu, Điện Biên Phủ, Thác Bà, Ba Bể...
Tây Bắc cũng mong muốn thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân; đẩy mạnh liên kết công - tư, xã hội hóa để huy động nguồn lực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đặc biệt đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng ( theo quy hoạch). Một điểm nữa mà Tây Bắc cần chú trọng là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm độc đáo, có chất lượng và có giá trị gia tăng cao, phát triển du lịch xanh dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc gắn với danh lam thắng cảnh và những giá trị môi trường sinh thái đa dạng còn tương đối nguyên sơ…
Tại cuộc hội thảo này, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác thu hút khách đến vùng Tây Bắc./.