Lực lượng Công an, Quân đội cùng người dân khắc phục sự cố vỡ đê Quảng Điền. ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Theo ông Thành, gia đình ông trồng hơn 2 ha lúa, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến kỳ thu hoạch, thế nhưng sự cố vỡ đê, nước tràn vào ruộng ngập trắng cánh đồng, diện tích lúa này coi như mất trắng. “Dù toàn bộ lúa của gia đình đã bị mất trắng, nhưng tôi vẫn tham gia cùng người dân khắc phục sự cố đoạn đê, hạn chế nước tràn vào đồng ruộng, quyết tâm cứu những diện tích lúa còn lại”, ông Thành nói .
Chưa hết bàng hoàng vì chứng kiến cánh đồng lúa sắp đến kỳ thu hoạch bị ngập trong biển nước, chị Huỳnh Thị Hiền, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana chia sẻ: Hơn 1 ha lúa của gia đình đã bị ngập trắng, tuy nhiên cả gia đình vẫn túc trực tại điểm đê bị vỡ, góp công sức cùng chính quyền địa phương khắc phục sự cố. “Dù những người phụ nữ như chúng tôi không thể xuống sông đóng cọc, kéo hàng rào thép để ngăn dòng nước, nhưng chị em sẽ đảm nhận phần việc chăm lo ăn uống cho lực lượng Công an, Bộ đội và người dân đang hộ đê cứu lúa”, chị Hiền chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana (Đắk Lắk), đê bao Quảng Điền có vai trò quan trọng để duy trì sản xuất hai vụ của hàng ngàn ha lúa trên toàn huyện Krông Ana. Sau khi đưa tuyến đê vào sử dụng từ năm 2014, đã làm tăng đáng kể năng suất, sản lượng lúa của toàn huyện, đưa Krông Ana trở thành một trong những vựa lúa lớn của tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, sự cố vỡ đê Quảng Điền có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế của toàn huyện.
Lực lượng Công an, Quân đội cùng người dân khắc phục sự cố vỡ đê Quảng Điền. ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng Công an, Quân đội đồng tâm, sát cánh với người dân, quyết tâm khắc phục đoạn đê bị vỡ. Hiện các lực lượng đã đóng cọc bao quanh đoạn đê bị vỡ, dùng lưới sắt và bạt để giữ, nắn dòng chảy của nước ra khỏi đoạn đê bị vỡ. Đến 15 giờ chiều 13/8, lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được dòng nước và tối cùng ngày đang tổ chức gia cố đoạn đê bị vỡ bằng đá, bê tông và bao cát.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Đông, sau khi xử lý được đoạn đê bị vỡ, chính quyền địa phương tiếp tục huy động lực lượng vũ trang và tăng cường số máy bơm công suất lớn để bơm nước ra khỏi đồng ruộng, cứu những diện tích lúa còn lại, giảm nhẹ thiệt hại kinh tế cho người dân.
Chỉ đạo công tác khắc phục sự cố đê tại hiện trường, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk yêu cầu chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực, huy động tối đa con người, phương tiện khắc phục sớm nhất sự cố vỡ đê Quảng Điền. Đồng thời trên toàn tuyến đê Quảng Điền phải có lực lượng kiểm tra thường xuyên các điểm xung yếu để sớm phát hiện sự cố và kịp thời xử lý. Địa phương cũng chỉ đạo và huy động các lực lượng giúp nhân dân thu hoạch tại các cánh đồng bị ngập nhẹ hay cánh đồng lúa vừa chín tới để giảm nhẹ thiệt hại kinh tế cho người dân.
Đồng chí Bùi Văn Cường cũng lưu ý, chính quyền các địa phương trong tỉnh phải tăng cường kiểm tra, thường trực tại các công trình đê điều, hồ, đập thủy lợi, thủy điện để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố nếu có. Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ chỉ đạo các địa phương thống kê toàn bộ thiệt hại của người dân, trên cơ sở đó, từ nguồn lực của tỉnh sẽ có sự hỗ trợ đối với bà con bị thiệt hại sau sự cố vỡ đê Quảng Điền; đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho bà trong tỉnh bị thiệt hại sau trận mưa lũ vừa qua.
Từ ngày 6-10/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra mưa lớn, mực nước sông Krông Ana dâng cao tràn qua đê bao Quảng Điền, người dân và chính quyền phải dùng hàng nghìn bao cát đắp cao 0,5 mét, dài trên 2 km dọc tuyến đê để ngăn nước tràn vào đồng ruộng.
Công trình đê bao Quảng Điền có tổng vốn hơn 300 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, có chiều dài gần 45 km, được đưa vào sử dụng năm 2014. Công trình này chạy dọc dòng sông Krông Ana, đi qua địa phận hai huyện Krông Ana và huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) nhằm ngăn nước bảo vệ vựa lúa ở hai huyện này. Tại tuyến đê bao này hiện có nhiều đoạn đã xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng.
Tuấn Anh