Tại các vùng đồng bào dân tộc và miền núi của Lào Cai, khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Bởi vậy, tỉnh Lào Cai xác định, việc nâng cao chất lượng dân số thông qua chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em là yếu tố đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.
Làm mẹ an toàn
Ngành Y tế Lào Cai đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án “Làm mẹ an toàn” tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ ở vùng khó khăn với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh.
Lần sinh con thứ hai, ban đầu chị Giàng Thị Xua, dân tộc Mông ở thôn Lèng Pàng, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà có ý định sinh tại nhà như lần trước. Tuy vậy, khi được cán bộ Trạm y tế thường xuyên đến tận nhà khám thai định kỳ, phát viên đa vi chất miễn phí và tư vấn tận tình lợi ích của việc đến cơ sở y tế để sinh con chị Xua đã thay đổi ý định. Vì vậy, khi có dấu hiệu chuyển dạ chị được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà để sinh.
Chị cho biết, bản thân được cán bộ y tế tư vấn về nguy cơ uốn ván và tai biến trong quá trình trở dạ nếu sinh tại nhà nên gia đình chọn sinh ở viện. "Ở viện được bác sỹ hướng dẫn sinh, cho con bú, theo dõi con... rất chi tiết, tỉ mỉ nên tôi yên tâm hẳn", chị Xua chia sẻ.
Theo bác sỹ chuyên khoa I Vàng Seo Sào, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, đa phần người dân tộc thiểu số đến viện sinh con còn thiếu nhiều kiến thức về chăm sóc bản thân và trẻ sơ sinh. Vì vậy, khi họ đến viện, các bác sỹ tích cực tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe mẹ và bé nhằm phòng, tránh tai biến sản khoa, giảm thiểu tỷ lệ trẻ tử vong sơ sinh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai, trong 9 tháng năm 2023, số phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần/3 thời kỳ đạt 85,5%. Số bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 79,5%... Đặc biệt, để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, cán bộ y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng khi thực hiện công tác này.
Riêng giai đoạn 2022 - 2023, dự án "Làm mẹ an toàn" tại Lào Cai tập trung nâng cao năng lực cô đỡ thôn bản, năng lực cho nhân viên y tế phụ trách chương trình sức khỏe sinh sản tại 18 xã thuộc 5 huyện, thị xã thuộc dự án gồm: Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát, Si Ma Cai, thị xã Sa Pa.
Thôn Tả Tà Lé, xã Trung Lèng Hồ là một trong những xã vùng cao khó khăn huyện Bát Xát. Đời sống của đại bộ phận đồng bào nơi đây còn nhiều thiếu thốn, nhận thức hạn chế, thêm vào đó là điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại vất vả, chị em đẻ nhiều, đẻ dày. Không ít trường hợp phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm nương rẫy nên có trường hợp đẻ “rơi” không có người đỡ…
Vì mới sinh con đầu lòng nên chị Thào Thị Dù, thôn Tả Tà Lé chưa có kinh nghiệm chăm con, rất may có cô đỡ Lầu Thị Xua đến giúp và nhiệt tình tư vấn, chỉ bảo cách chăm sóc bé. Chị Dù cho biết, trong suốt quá trình mang thai cho đến sau khi sinh trẻ được 42 ngày, chị cũng như các sản phụ trong thôn đều được cô đỡ Lầu Thị Xua thăm khám, hướng dẫn chăm sóc thai nhi, chăm sóc trẻ đúng cách.
Hàng tháng cô đỡ thôn bản Lầu Thị Xua tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế như: Thống kê theo dõi phụ nữ mang thai trong thôn; tích cực vận động chị em đến Trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở y tế để sinh con; tuyên truyền chị em tiêm phòng uốn ván cho mẹ, tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ trong độ tuổi...
Chị Lầu Thị Xua là một trong 60 cô đỡ thôn bản hoạt động trong mạng lưới cô đỡ Lào Cai của 5 huyện, thị xã thực hiện tốt vai trò tư vấn viên tại nhà, cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe cho bà mẹ, trẻ nhỏ, thăm khám cho phụ nữ mang thai và mới sinh. Đây được coi như một giải pháp rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính để ngày càng đông phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ nhỏ tốt hơn.
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em
Ngoài tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, việc giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi là một trong những nhiệm vụ tỉnh Lào Cai ưu tiên thời gian qua. Tuy nhiên, đây vẫn là nhiệm vụ khó khăn với một địa phương vùng cao.
Những năm qua, Lào Cai có nhiều nỗ lực trong triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại cộng đồng và đã đạt được thành tựu đáng kể. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ hơn 19,6% năm 2015 xuống còn 15% vào năm 2021. Dù kết quả thu về tích cực nhưng tỷ lệ này vẫn nằm trong top cao cả nước.
Theo ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình dinh dưỡng; trong đó trọng tâm là cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em và phụ nữ mang thai, chú trọng tập huấn, xây dựng mô hình dinh dưỡng giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc nuôi trẻ.
Một trong những dự án tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai mở rộng đó là mô hình Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng. Mô hình này được ra đời nhằm quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính dựa vào cộng đồng; đặc biệt, chủ động can thiệp vào “1.000 ngày vàng” ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi. Sau 7 năm triển khai, Lào Cai xây dựng được gần 50 mô hình, cho hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, vừa qua, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã khảo sát tại 3 xã vùng cao: Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) để triển khai mô hình điểm về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời đối với trẻ em dân tộc thiểu số ở địa phương.
Tại các xã vùng cao này, Đoàn công tác đã khảo sát đánh giá thực trạng, đề xuất hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hộ gia đình, tập trung vào các cây con giúp cải thiện dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; tập huấn dinh dưỡng cho cán bộ y tế, phụ nữ thôn bản và thành lập, vận hành Câu lạc bộ dinh dưỡng tại thôn bản.
Đây là hoạt động dinh dưỡng trong Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu sau khi triển khai Dự án sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm dưới 5%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%.
Hương Thu - Hồng Loan