Tập trung các giải pháp quản lý toàn diện, hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

Các lực lượng quân sự xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ ở chốt đường liên xã Bùi Thị Điệp 501. Ảnh: Diệp Trương – TTXVN
Các lực lượng quân sự xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ ở chốt đường liên xã Bùi Thị Điệp 501. Ảnh: Diệp Trương – TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 14/8 đến 18 giờ 30 ngày 15/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.580 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh; 9.574 ca trong nước.

Tập trung các giải pháp quản lý toàn diện, hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Các lực lượng quân sự xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ ở chốt đường liên xã Bùi Thị Điệp 501. Ảnh: Diệp Trương – TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc nhất (4.516 ca), Bình Dương (2.358 ca), Đồng Nai (546 ca), Long An (514 ca), Đồng Tháp (271 ca), Tiền Giang (209 ca), Cần Thơ (170 ca), Khánh Hòa (166 ca), Tây Ninh (159 ca). Trong số này có 2.470 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 136 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 285 ca, Bình Dương tăng 329 ca, Đồng Nai giảm 477 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 275.044 ca mắc; 102.504 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 5.774 ca tử vong. Trong ngày 14/8 có 612.974 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm.

Đảm bảo an ninh, an toàn, an dân


Sáng 15/8, tại hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, tại các địa phương đang có dịch và thực hiện giãn cách xã hội, Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; các đồng chí Phó Bí thư phụ trách từng mảng công việc cụ thể. Các địa phương phải thành lập ngay Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch, trong đó, Chủ tịch UBND cùng cấp làm Chỉ huy trưởng và có bộ phận thường trực hoạt động 24/7.

Theo Thủ tướng, phòng dịch, chính là chống lây nhiễm từ người này sang người khác, do đó phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, mà cụ thể là thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, tổ chức thần tốc xét nghiệm, phân loại, cách ly nhanh chóng F0 ra khởi cộng đồng, tranh thủ thời gian vàng giãn cách để kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan và dập dịch; tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Các đơn vị đẩy nhanh công tác xét nghiệm, trả kết quả, đồng thời có biện pháp không để lây lan dịch bệnh trong quá trình thực hiện xét nghiệm; nghiên cứu hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân tự xét nghiệm. Tại một số địa phương nếu không xét nghiệm diện rộng được thì xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên.

Đối với vấn đề vaccine, Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên, trong đó có nhóm đối tượng từ 50 tuổi trở lên; nghiên cứu tổ chức điểm tiêm riêng cho người cao tuổi; nghiên cứu mua vaccine tiêm cho trẻ em; điều tra, xử lý nghiêm người tổ chức dịch vụ tiêm vaccine.

Thủ tướng khẳng định, Nhà nước lo tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Cho phép các địa phương, doanh nghiệp chủ động nguồn nhập vaccine, song Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí cho toàn dân. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thuốc chữa bệnh COVID-19, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại yêu cầu “không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế của người dân”. Trong đó, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu tổ chức túi an sinh xã hội tới tận tay người dân; các địa phương chủ động hỗ trợ tối đa theo quy định việc tổ chức mai tang cho bệnh nhân COVID-19 tử vong. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, nhất là lực lượng công an, quân đội tăng cường nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân để xử lý, giải quyết, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân.

Phối hợp triển khai các phần mềm hỗ trợ chống dịch


Ngày 15/8, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và Tập đoàn SOVICO tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025; bàn giao phần mềm tổng hợp, phân tích và báo cáo tình hình dịch COVID-19 và phần mềm quản lý thu mẫu xét nghiệm COVID-19 ở cộng đồng.

Tại buổi lễ, hai bên đã giới thiệu ứng dụng Hệ thống Việt Nam Khỏe Mạnh tại địa chỉ: www.vietnamkhoemanh.vn. Đây là dự án được triển khai khẩn trương nhằm tập trung các giải pháp quản lý toàn diện từ khai báo y tế, đăng ký xuất nhập cảnh, thị thực, quản lý cách ly, truy vết, xét nghiệm, vaccine, khai báo tại các điểm đến, khai báo di chuyển... để tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống xây dựng trên cơ sở nghiên cứu từ các hệ thống tiên tiến đã được các quốc gia phát triển thành công; được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia đã triển khai ứng dụng theo dõi liên lạc Trace Together cho người dân và Chính phủ Singapore.

Qua thực tế triển khai thí điểm, phân hệ xét nghiệm giúp giảm ít nhất 50% nhân lực y tế và hỗ trợ báo cáo thống kê trực tuyến cho các cơ quan phòng, chống dịch. Phần mềm báo cáo thống kê đã triển khai đầu tiên tại Bắc Ninh và nay đã ứng dụng, phát huy hiệu quả tại gần 20 tỉnh, thành phố.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện có bước phát triển đột phá, 100% các bệnh viện có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), một số bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không không dung tiền mặt, bệnh viện thông minh. Bộ Y tế đã xây dựng nền tảng y tế từ xa kết nối 1.000 bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở y tế tuyến dưới. Bộ Y tế là một trong những Bộ, Ngành tiên phong trong cải cách hành chính: 100% các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ tháng 6 năm 2020.

Bảo đảm đáp ứng đủ oxy y tế

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Phương án số 187/PA-UBND ngày 13/8/2021 đáp ứng ô xy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, phương án nhằm bố trí bảo đảm ô xy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế, đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc COVID-19, giai đoạn đáp ứng tình huống 20.000 ca và giai đoạn đáp ứng tình huống 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố. Việc phân loại người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ (83,6%) và mức độ trung bình (7%); bệnh nhân nặng cần thở ô xy, ô xy gọng kính (3,8%) và bệnh nhân rất nặng cần thở máy xâm nhập và không xâm nhập (3,6%); bệnh nhân nguy kịch và can thiệp ECMO (2%). Do vậy, với trường hợp 40.000 người bệnh mắc COVID-19, sẽ có 3.120 người bệnh phải sử dụng ô xy y tế (9,4%).

Trên cơ sở phân loại người bệnh theo mức độ bệnh, sẽ phân chia các cơ sở thu dung điều trị gồm: Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và nhẹ (có các phương án riêng).

Thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh

Nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 15/9 theo tinh thần Nghị quyết số 86 của Chính phủ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã triển khai xây dựng kế hoạch với hai giai đoạn cụ thể, trong đó đề ra các nhóm giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.

Sau hơn một tháng thực hiện Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7 đến nay), Thành phố đã ghi nhận những kết quả khá tích cực. Cụ thể, Thành phố đã không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới và số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm. Bình quân trong 13 ngày gần đây (2/8-14/8), ghi nhận 3.830 ca nhiễm/ngày, nếu so với 13 ngày liền kề (20/7 - 1/8 là 4.615 ca nhiễm/ngày), số ca nhiễm đã giảm 18%. Ngành y tế đã kết hợp hài hòa giữa đông y và tây y để nâng cao hiệu quả điều trị, bình quân mỗi ngày có 2.500 ca được xuất viện và lũy kế đến nay, toàn Thành phố đã có 70.727 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện.

Trong giai đoạn 2, từ ngày 1-15/9, Thành phố phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Trong đó, phấn đấu đến ngày 15/9, số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm