Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.
Thay đổi diện mạo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đến với xã vùng cao Thạch Yên, huyện Cao Phong giờ đây, có thể cảm nhận rõ sự đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng đồng bộ; đường đến trung tâm các xóm được bê tông hóa, điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt được kéo đến các hộ dân.
Ông Bùi Văn Chiền, xóm Bợ, xã Thạch Yên chia sẻ, trước đây đường giao thông vào xã Thạch Yên vô cùng khó khăn đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, thuận lợi. Nhờ đó, đẩy mạnh giao thương phát triển, nông sản của bà con làm ra tiêu thụ dễ hơn.
Chủ tịch UBND xã Thạch Yên Bùi Đức Chung cho biết: Nhờ nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã. Đến nay, Thạch Yên đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (còn 4 tiêu chí xã đang phấn đấu thực hiện). Trong đó, thông qua các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp xã giảm 6% hộ nghèo; xây dựng được một chợ nông thôn phục vụ giao thương, buôn bán. Đặc biệt, xã Thạch Yên đã xóa được 50 nhà tạm và đầu tư xây mới 12/12 nhà văn hóa xóm. Qua đó, năm 2024 xã đạt thêm 2 tiêu chí nông thôn mới về nhà ở và về cơ sở vật chất văn hóa.
Theo UBND huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2024, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 120 tỷ đồng đầu tư cho chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Từ đó, làm thay đổi diện mạo, cơ sở hạ tầng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng trên 1,2 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Cùng với đó, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 95% xóm có đường giao thông từ xã đến xóm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Huyện Cao Phong đã tổ chức xây dựng quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí hộ dân tộc thiểu số cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao. Năm 2024, trên 55% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong huyện.
Đến nay, nhiều xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, có nhiều sáng tạo, nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, về đích nông thôn mới.
Tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn
Xã Độc Lập (thành phố Hòa Bình) có 98% dân số là người dân tộc thiểu số, giao thông khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dễ bị chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều… Dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, xã xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế phát triển, lấy khó khăn làm động lực vươn lên.
Ông Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết, những năm qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế địa phương theo từng năm, xã đã phân công cán bộ, công chức phụ trách các xóm, định hướng cách làm cho người dân. Đồng thời, xã tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững để hỗ trợ nhân dân làm nhà ở, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... Cùng với đó, sự nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân đã mang lại hiệu quả khi xã Độc Lập được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,25%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 51 triệu đồng/người/năm; nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm được hình thành và phát triển.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Hà Văn Di cho biết, giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, mở rộng việc làm cho con em người dân tộc thiểu số; triển khai các hoạt động sinh kế, hỗ trợ đồng bào ổn định sản xuất, đời sống.
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh Hòa Bình; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62%), trong đó, có 14 xã đặc biệt khó khăn và 7 xã khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,20%; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2024 ước đạt 77,59 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2024, Hòa Bình có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 16,2 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Hà Văn Di cho biết thêm, Hòa Bình tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc đã được UBND tỉnh ban hành.
Vũ Hà