Chiều 28/1, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, lãnh đạo các bộ, ngành đã thông tin về nhiều vấn đề dư luận, báo chí quan tâm như: tình hình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng; lộ trình cụ thể cho học sinh đến trường; việc mở lại hàng không, hỗ trợ mở lại du lịch...
* Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê đón Tết
Về việc nhiều địa phương có cách làm khác nhau trong phòng, chống dịch liên quan đến người về quê trong dịp Tết, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 128, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các địa phương không được tự ý ban hành các quy định riêng khi không được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê đón Tết. Thủ tướng đã nhiều lần quán triệt trong các cuộc họp về việc này" - Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển trạng thái thích ứng an toàn dịch bệnh nhưng tinh thần vẫn không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 của Việt Nam rất cao, cơ bản đạt 100%. Tuy nhiên, có tình trạng một số địa phương có quyết định gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Sau khi có vấn đề đó, Thủ tướng Chính phủ đã hành ngay Công điện yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế trong tổ chức kiểm soát y tế, cách ly, đi lại, đón người dân về quê ăn Tết. Việc đi lại của người dân phải thống nhất trong công tác phòng, chống dịch; yêu cầu các địa phương không được đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế để gây khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp Tết cổ truyền, nhân dân về quê đón Tết.
"Sau khi có Công điện này, chúng tôi kiểm tra thấy các địa phương đã chấn chỉnh" - ông Trần Văn Sơn cho biết.
* Triển khai sớm gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cung cấp một số thông tin về tình hình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng. Thứ trưởng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng coi đây một trong những gói hỗ trợ quan trọng, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều bộ, ngành liên quan đã trình Chính phủ một nghị quyết để triển khai với hai nội dung. Thứ nhất là triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế. Thứ hai là tập trung vào 5 nhóm giải pháp: chính sách phòng, chống dịch, nâng cao năng lực y tế; đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm; hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân doanh; đầu tư phát triển hạ tầng; tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
“Trong Nghị quyết, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong năm 2022 và 2023, chậm nhất bắt đầu trong quý I. Ví dụ, chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng đã ban hành. Thứ hai là giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, để phối hợp cho nhịp nhàng” - Thứ trưởng Đông chia sẻ.
* Có kế hoạch, lộ trình để sớm đưa học sinh trở lại trước 14/2
Về lộ trình cụ thể cho học sinh trở lại trường học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đây là mối quan tâm của toàn xã hội và Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo với địa phương, nghe chuyên gia góp ý và thống nhất chủ trương mở cửa trường sớm nhất sau Tết.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị địa phương quyết liệt, nhanh chóng có kế hoạch, lộ trình để sớm đưa học sinh trở lại trước 14/2”, ông Sơn nhấn mạnh.
Dẫn kinh nghiệm của thế giới, Thứ trưởng Sơn nêu 8 khuyến nghị về việc đưa học sinh trở lại trường. Trong đó, khuyến nghị đầu tiên nêu rõ “trường học phải là nơi cuối cùng đóng cửa và là nơi đầu tiên mở cửa”.
Trước việc một số địa phương đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường, Bộ Y tế cho rằng, nguy cơ đối với đối tượng này rất thấp, cần mạnh dạn đưa trẻ trở lại trường và sớm rút ra kinh nghiệm. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa học sinh khối Trung học Phổ thông trở lại trường. 92% địa phương có kế hoạch mở cửa trường Đại học, Cao đẳng và hơn 50% địa phương có kế hoạch cho học sinh Trung học Cơ sở, Tiểu học đi học trở lại.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa học sinh trở lại trường không nên phụ thuộc vào việc tiêm cho học sinh ở độ tuổi nhỏ. Học sinh còn nhỏ cần được giáo dục toàn diện và học ở nhà không đảm bảo việc này. Thứ trưởng Sơn đưa ý kiến, học sinh chưa tiêm có thể kết hợp học trực tiếp và trực tuyến, chia lớp…
* Thống nhất phương án để mở lại hàng không, du lịch
Trả lời về việc mở lại hàng không, hỗ trợ mở lại du lịch, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện tại đã mở 10 đường bay quốc tế, duy trì hoạt động đi lại, phục vụ người dân ở xa về đón Tết.
“Phương án và kịch bản mở cửa lại rất nhiều, nhưng điều kiện quan trọng nhất là kiểm soát dịch, chứ không phải là máy bay. Phải có hướng dẫn chung của ngành Y tế về kiểm soát dịch và tôn trọng các nước. Các nhà chức trách hàng không phải thống nhất cách thức kiểm soát”, ông Đông nói.
Theo Thứ trưởng Đông, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị xem xét, dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5 mở cửa tất cả đường bay quốc tế. Tuy nhiên, thời gian có thể sớm hơn nhờ chiến dịch tiêm chủng gần đây.
Xuân Tùng