Ảnh minh họa - TTXVN |
Các đại biểu tham dự hội thảo là các chuyên gia đến từ các tổ chức trong và ngoài nước đã cùng nhau phân tích để đánh giá cơ hội và thách thức của lâm sản ngoài gỗ, cũng như vị thế của người dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững tài nguyên rừng. Hiện theo báo cáo giảm nghèo và thịnh vượng chung, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73% tổng hộ nghèo cả nước, tỷ lệ chi tiêu đầu người của nhóm dân tộc thiểu số thấp hơn 45% so với nhóm đa số. Trong khi các lợi thế, tiềm năng về lâm sản ngoài gỗ vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, vừa phục vụ đời sống vừa bảo vệ môi trường. Xu hướng cần thiết là phải hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho bà con.
Nhiều tham luận phân tích, đánh giá lợi ích, giá trị của lâm sản ngoài gỗ, góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất cũng đã được thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng bởi các rào cản về chính sách, năng lực hoạt động của các đơn vị doanh nghiệp cũng như sự chủ động của người dân. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị cần ban hành một hệ thống chính sách đặc thù, để khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế quốc tế tham gia hợp tác, tạo ra chuỗi liên kết giá trị phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững./.
Trần Tĩnh