Mặc dù Luật Lao động đã quy định khống chế thời gian làm thêm giờ, nhưng thực tế tình trạng làm thêm vượt quá số giờ nói trên là khá phổ biến tại các doanh nghiệp, nhất là khi có đơn hàng mang tính thời vụ cần giao gấp.
Muốn tăng ca để tăng thu nhập
Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, có tới 75,5% lao động phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Do nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương trên trần mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định, nên công nhân phải làm tăng ca. Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương tăng ca, bớt thời gian sử dụng điện, nước ở nhà trọ... nên hầu hết người lao động đều hào hứng với việc làm thêm, mà không quan tâm tới vấn đề quyền lợi và sức khỏe của mình.
Muốn tăng ca để tăng thu nhập
Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, có tới 75,5% lao động phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Do nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương trên trần mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định, nên công nhân phải làm tăng ca. Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương tăng ca, bớt thời gian sử dụng điện, nước ở nhà trọ... nên hầu hết người lao động đều hào hứng với việc làm thêm, mà không quan tâm tới vấn đề quyền lợi và sức khỏe của mình.
Lao động trong lĩnh vực dệt may thường xuyên phải làm thêm giờ. Ảnh: Trần Việt
|
Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) tập trung nhiều nhà máy lớn như Samsung, Viglacera, Orion... thu hút khoảng 30.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Chị Nguyễn Thị Hà, (quê Ba Vì, Hà Nội) đã làm việc tại công ty Samsung hơn 3 năm cho biết: “Nếu làm đúng giờ quy định thì thu nhập chỉ được khoảng 5 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà và chi tiêu cá nhân đã hết khoảng 3 triệu đồng. Do đó, để có tiền gửi về cho ông bà nuôi con, hầu hết công nhân đều tăng ca từ 3 - 4 tiếng/ngày (tính ra mỗi năm số giờ làm thêm cũng khoảng gấp 2 - 3 lần so với quy định - PV). Có như vậy mới thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng”.
Tình trạng làm thêm giờ cũng phổ biến tại nhiều khu công nghiệp khác. Ông Nguyễn Chí Hùng, Phó Ban quản lý các Khu Công nghiệp - Khu chế xuất (KCN - KCX) Hà Nội cho biết: Các doanh nghiệp trong KCN đều vi phạm làm thêm giờ. Chỉ xét theo bảng chấm công thì các doanh nghiệp đều vi phạm vì cho người lao động làm thêm quá 300 giờ/năm. Lý do sai phạm được lý giải do nhu cầu làm thêm giờ của công nhân để tăng thêm thu nhập và do nhu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng các đơn hàng lớn, thời gian giao gấp. Trong 8 tháng đầu năm, trong số 5 vụ đình công tại các KCN - KCX thì có 1 vụ đình công nguyên nhân do công nhân bức xúc vì phải làm thêm giờ quá quy định
Không chỉ công nhân các KCN, công nhân trong một số lĩnh vực xây dựng, may mặc, thủy sản... cũng bị sức ép làm thêm giờ. Anh Nguyễn Huy, công nhân lái máy xúc dự án xây dựng bất động sản tại đường Võ Chí Công cho biết: “Chúng tôi nhận khoán theo công trình, hơn nữa Hà Nội lại cấm xe tải chạy vào buổi sáng và chỉ cho hoạt động sau 9 giờ tối, nên nhiều khi chúng tôi phải làm thêm giờ. Giờ nhận khoán theo sản phẩm nên cũng không biết tính theo giờ như thế nào, miễn chủ thầu trả đúng theo thỏa thuận đơn hàng”.
Có sự linh hoạt
Nghị định 45/2013/NĐ - CP đã quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, trong đó quy định làm thêm giờ đối với người lao động. Theo đó, người lao động chỉ được làm thêm không quá 50% số giờ làm việc trong ngày, không quá 12 giờ/ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần. Đối với một số ngành nghề đặc thù như dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước... cũng được Nghị định quy định làm thêm giờ tối đa 300 giờ/năm.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định như thế không phù hợp với thực tế. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Giám đốc Công ty may Hưng Yên, về thời gian làm thêm, nên để chủ doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động trên nền khung thời gian (theo tháng, theo tuần). Tại Việt Nam, công nhân làm đủ 8 tiếng/ngày thì lương trung bình chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. “Hiện Trung Quốc quy định thời gian làm thêm giờ tối thiểu là 600 giờ/năm, Nhật Bản quy định thời gian làm thêm giờ là 720 giờ/năm. Trong khi thu nhập bình quân/người của các nước đó ở mức 40.000 USD/năm. Còn ở Việt Nam, thu nhập bình quân/người mới ở mức 1.000 USD/năm, nhưng quy định thời gian làm thêm giờ quá thấp. Làm thêm giúp lao động có thêm thu nhập để nuôi người phụ thuộc, đó là nhu cầu thực tế. Do đó, nên để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tăng thời giam làm thêm. Thu nhập của người lao động tăng lên từ 7 - 9 triệu đồng/tháng”, ông Dương cho biết.
Còn đại diện một số doanh nghiệp thủy sản cho rằng, theo quy định hiện nay, thời gian làm thêm không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ trong 1 năm nhưng thực tế doanh nghiệp cần làm thêm giờ khi nông dân trúng mùa tôm đem đến nhà máy quá nhiều. Doanh nghiệp không thể không nhận, mà nhận sản xuất thì sẽ vi phạm giờ làm việc, bị khách hàng đánh lỗi là làm không đúng quy định của Luật Lao động. Nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách hàng, thì phải tăng ca làm việc dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm.
“Cái lý” của doanh nghiệp là như vậy, nhưng là đơn vị bảo vệ quyền lợi của người lao động, theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Làm thêm giờ xuất phát từ vấn đề thu nhập thấp. Do đó, bên cạnh việc cân nhắc việc tăng trần quy định giờ làm thêm, cũng cần xem xét tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tránh tình trạng làm thêm quá sức. “Với mức lương doanh nghiệp trả như hiện nay, người lao động chỉ đủ sống. Ở nước ngoài, người ta tăng lương để tăng thu nhập, còn mình tăng làm thêm là để đủ sống nên phải xem xét tăng lương phù hợp”, ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Còn ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn cho rằng: Không nên làm thêm quá nhiều vì ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm, sinh lý của công nhân lao động. Trên thực tế, doanh nghiệp áp dụng khoán sản phẩm để ép công nhân làm thêm giờ. Đơn cử một công nhân tối đa chỉ làm được 10 sản phẩm/1 ngày, nhưng họ khoán 15 sản phẩm/1 ngày. Mặc dù làm 8 tiếng, nhưng để đảm bảo lĩnh đủ lương thì phải làm hết 15 sản phẩm, khi đó bắt buộc làm thêm giờ.
Theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn, nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng giờ làm việc, tăng ca quá sức, gây nhiều bức xúc cho người lao động. Số liệu khảo sát cho thấy có 20% số công nhân lao động bức xúc vì phải làm thêm giờ, thêm ca. |