Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng chủ trì hội thảo |
Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo một số Vụ thuộc Ủy ban Dân tộc... Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng chủ trì hội thảo.
Đề án “Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam” được xây dựng nhằm nâng cao hơn nữa việc tiếp cận và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc.
Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu đóng góp ý kiến cho Đề án |
Đề án được triển khai thực hiện sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận, học hỏi, trao đổi các công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm trật tự an ninh. Góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên cả nước. Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Ủy ban Dân tộc), Đề án chia làm 2 giai đoạn từ nay đến hết năm 2021. Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2021, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tối thiểu 30% các già làng, trưởng bản, người có uy tín được phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tối thiểu 20% số hộ đồng bào DTTS được tư vấn và cung cấp thông tin về bình đẳng giới, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, giữ gìn gia đình hạnh phúc, y tế, giáo dục, sức khỏe, việc làm, khởi nghiệp. Trong lĩnh vực y tế, tối thiểu 10% số hộ đồng bào DTTS được cung cấp thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, tối thiểu 10% số hộ đồng bào DTTS được cung cấp thông tin hỗ trợ qua số hóa bản đồ giao thông, cứu hộ giao thông ở các vùng DTTS. Trong lĩnh vực môi trường, tối thiểu 10% số hộ đồng bào DTTS được cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo thiên tai, bão lũ, bảo vệ môi trường. Tối thiểu 30% số người DTTS trong độ tuổi lao động được tư vấn, hỗ trợ về việc làm, khởi nghiệp.Tối thiểu 20% lượt khách nội địa, 10% lượt khách quốc tế được cung cấp thông tin về văn hóa, sản phẩm, vật phẩm của đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Quốc phòng đóng góp ý kiến cho Đề án |
Các đại biểu tham dự hội thảo về cơ bản nhất trí với bố cục và tính cấp thiết của Đề án, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến bổ sung và chỉnh sửa giúp cho Đề án được hoàn thiện hơn như: Thông qua việc ứng dụng CNTT để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, di sản, di tích văn hóa đang có nguy cơ mai một, thất truyền hoặc bị xâm lấn; Tăng cường quảng bá hình ảnh con người, vùng đất, văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS đến với mọi người và bạn bè quốc tế; Hệ thống thông tin liên quan đến công tác tôn giáo, cần có sự trao đổi, chia sẻ và liên thông với Ban Tôn giáo Chính phủ; Trong đầu tư hạ tầng CNTT, cần thay đổi cách tiếp cận, chú trọng công tư kết hợp để đạt hiệu quả cao, xác định rõ đối tượng hướng tới của Đề án là đồng bào DTTS và vùng miền núi, đưa các chính sách, thông tin, ứng dụng thông tin sát sườn với đồng bào theo hướng đầu tư thiết thực phù hợp với đồng bào.... Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng đánh giá cao sự cố gắng của Trung tâm Thông tin trong việc xây dựng Đề án và đề nghị Đề án cần phải tính toán chi tiết hơn chi phí thực hiện, chú ý đến tính logic, cần xác định rõ và căn cứ vào nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số cần những gì để đưa thông tin cho phù hợp, tính toán rõ hiệu quả của Đề án mang lại cho đồng bào dân tộc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự...
Toàn cảnh hội thảo |
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng yêu cầu Trung tâm thông tin và ban soạn thảo Đề án tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, tập trung chỉnh sửa, bổ sung để Đề án được hoàn thiện, sớm được phê duyệt và đi vào thực hiện.
Hoàng Tâm