Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có diện tích mặt nước lớn, với hơn 400 ha; có số phương tiện đường thủy nội địa lớn. Tuy nhiên, việc các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người lái thuyền chưa qua đào tạo thuyền viên; bến phà, luồng tuyến trên sông, hồ thủy điện chưa hoạch định rõ…, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông đường thủy. Đặc biệt, hiện nay khu vực lòng hồ Sê San thu hút đông khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm về khu vực lòng hồ thủy điện Sê San - nơi được ví như "Vịnh Hạ Long". Lượng khách đông khiến các thuyền hoạt động hết công suất.
Theo quan sát của phóng viên, những con thuyền vận chuyển khách du lịch được đóng rất thô sơ với vỏ bằng tôn, khung mái che làm bằng các thanh sắt tận dụng. Khoang thuyền được bố trí hai hàng ghế ở hai bên mạn thuyền. Khi trải nghiệm, du khách ngồi ngay ngắn hai bên, tạo cân bằng cho thuyền. Đen - người lái thuyền chở nhóm khách chúng tôi tham quan dòng Sê San với kinh nghiệm gần một năm cầm lái, tươi cười nhắc nhở "Các anh, chị ngồi yên hai bên cho cân bằng. Hôm nay gió lớn, sóng xô mạnh hơn nên các anh, chị không di chuyển nhiều".
Con thuyền tôn đưa chúng tôi đến khu vực làng chài của các hộ dân sinh sống trên lòng hồ Sê San. Dù đang là mùa nước lên, nhưng dọc tuyến sông Sê San, những bãi cọc cây lởm chởm lúc ẩn lúc hiện giữa các đợt sóng cuộn. Đen chưa có bằng lái, chỉ học kinh nghiệm lái thuyền du lịch từ người đi trước, cho biết khu vực lòng hồ Sê San yên bình vậy nhưng rất nguy hiểm, mùa nước khô có thể dễ dàng nhìn thấy các bãi cọc cây đã chết lộ thiên, còn mùa này chỉ có kinh nghiệm sông nước mới tránh được bãi cọc cây.
Diện tích lòng hồ lớn, nhiều thuyền, bè hoạt động phục vụ du lịch và sản xuất nương rẫy, nhưng hầu hết không được đăng ký, đăng kiểm. Đặc biệt, các thuyền viên không được đào tạo bài bản, chỉ dựa vào kinh nghiệm và kỹ năng tự có khiến hoạt động ở loại hình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia O cho biết, toàn xã hiện có 67 phương tiện đường thủy nội địa, tất cả đều chưa đăng kiểm, đăng ký theo quy định. Trên địa bàn xã có 4 bến đò ở làng Mít Chép, làng Dăng (bến Trạm xá), đội 18 và bến đò 6, nhưng đều tự phát. Về người lái thuyền, theo ông Nghiệp, hầu hết chưa từng học qua các lớp đào tạo thuyền viên.
"Thời gian qua, xã cùng với huyện, cán bộ Sở Giao thông Vận tải tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn bà con hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Ngoài ra, xã cũng đã liên kết với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, Cục 4 (Đăng kiểm) tập huấn cho thuyền viên, chủ thuyền. Tuy nhiên, công tác đào tạo, cấp bằng, đăng kiểm đang gặp nhiều khó khăn", ông Siu Nghiệp cho biết thêm.
Chính quyền địa phương kiến nghị ngành chức năng cần có cơ chế đầu tư trang thiết bị như thuyền, bè chuyên dụng phục vụ lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Được biết, huyện Ia Grai hiện có 146 phương tiện đường thủy nội địa hoạt động, tập trung tại 3 xã Ia Grăng, Ia Khai và Ia O. Các phương tiện này hoạt động trên lòng hồ thủy điện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân qua khu vực vườn rẫy sản xuất vốn không thể tiếp cận bằng đường bộ hoặc dùng đánh bắt cá. Thời gian gần đây, khu vực lòng hồ Sê San được biết đến với địa danh du lịch sinh thái hấp dẫn, từ đó phát sinh thêm nhiều phương tiện thuyền hoạt động dẫn khách du lịch tham quan các điểm trên dòng Sê San.
Theo ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có kế hoạch số 577/KH-UBND triển khai Đề án "Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới".
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 100% phương tiện thủy nội địa được đăng kiểm, đăng ký theo quy định; 100% phương tiện thủy chở khách ngang sông được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách theo quy định; 100% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được đào tạo huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn; 100% người tham gia giao thông đường thủy nội địa, chủ bến thủy nội địa, chủ phương tiện, người lái phương tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến đường thủy nội địa được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Để thực hiện mục tiêu đó, "hàng năm, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đều chỉ đạo lực lượng Thanh tra phối hợp với các phòng, ban chuyên môn triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Qua công tác kiểm tra sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy. Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra kỹ các hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông như phương tiện không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh; không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống cháy nổ trên phương tiện; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp…", ông Tăng Xuân Kiên cho biết thêm.
Tuy nhiên, công tác quản lý đối với các phương tiện đường thủy nội địa tại Gia Lai vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tăng Xuân Kiên, đến nay, Sở không có công chức chuyên ngành về đường thủy nội địa; Thanh tra giao thông chưa được bồi dưỡng chuyên ngành về thanh tra đường thủy nội đia. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chưa có cán bộ, chiến sĩ được đào tạo chuyên ngành Cảnh sát Giao thông đường thủy; không có phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát hoạt động đường thủy nội địa… Ý thức của các chủ phương tiện về các quy định nhà nước trong lĩnh vực đường thủy nội địa chưa cao.
"Trước thực trạng hoạt động của các phương tiện đường thủy tại xã Ia O, Sở phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các phương tiện này, nhất là phương tiện hoạt động vận chuyển khách du lịch. Đồng thời, Sở xin ý kiến cơ quan chức năng xây dựng quy định, quy chế cụ thể để kiểm soát chặt hoạt động của các phương tiện thủy nội địa, phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra", ông Tăng Xuân Kiên nhấn mạnh.
Quang Thái