Khu dân cư tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, Cà Mau đang đối mặt với mối nguy hiểm do tình trạng sạt lở đất ven sông. Ảnh: Kim Há - TTXVN |
Phát biểu khai mạc tại chương trình hội thảo khởi động Dự án, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam coi biến đổi khí hậu là một ưu tiên cao, đã đưa ra những chính sách toàn diện để ứng phó và nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng chia sẻ: “Với nguồn lực sẵn có của quốc gia và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư kinh phí cho các chương trình nhằm cải thiện khả năng chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu của các cộng đồng. Qua bão số 12 vừa qua, cùng với những tác động bất thường của biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đó là cộng đồng ven biển là những đối tượng rất dễ bị tổn thương ”.
Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, Dự án này được xây dựng thông qua mối quan hệ đối tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và 7 tỉnh ven biển (Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Cà Mau).
Bà Caitlin Wiesen cho rằng, Dự án rất phù hợp và kịp thời dựa trên đà tích cực từ Hội nghị Công ước Khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu của các bên gần đây (COP 23) và phong trào toàn cầu nhằm đưa hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành hoạt động trung tâm để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030. Dự án sẽ giúp các cộng đồng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ bản thân và tăng cường sức chống chịu.
Để góp phần triển khai hiệu quả Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vối những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ tổn thương ven biển Việt Nam”, bà Caitlin Wiesen khẳng định: “Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cam kết thực hiện đầy đủ Dự án này, nhằm tăng cường sức chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu”.
Tại chương trình hội thảo khởi động Dự án, các đại biểu đã nghe các đơn vị liên quan giới thiệu Dự án; tổng quan về Qũy Khí hậu xanh với tư cách là một cơ chế cấp vốn cho hoạt động thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; bối cảnh triển khai dự án tại Việt Nam; trình bày khung logic về kết quả dự án, các chỉ số, cách thức kiểm tra thực hiện dự án; các đóng góp của dự án, tác động quan trọng để hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Với giá trị tài trợ hơn 29 triệu USD, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ tổn thương ven biển Việt Nam” kỳ vọng sẽ tạo ra tác động chuyển đổi mạnh mẽ thông qua việc áp dụng và nhân rộng các phương pháp thành công đã được kiểm chứng; tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bằng cách tăng khả năng tiếp cận nhà ở an toàn chống bão; củng cố vùng đệm rừng ngập mặn và cải thiện việc tiếp cận nguồn thông tin có chất lượng về rủi ro biến đổi khí hậu.
Hoàng Quỳnh