Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế của phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang lan tỏa mạnh mẽ, mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ và thanh niên.
Mới đây, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UNESCO tổ chức Hội thảo thúc đẩy hợp tác, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Đây là phần việc thuộc dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam” (tên tóm tắt: dự án “Chúng tôi có thể”).
Dự án thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang thông qua việc xúc tiến cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các Hợp tác xã trên địa bàn, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tạo thu nhập, sinh kế cho hơn 120 phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số triển khai tại 5 huyện là Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên.
Bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, dự án lựa chọn các chị em có ý tưởng kinh doanh, ý tưởng phát triển sản phẩm của mình, từ đó hỗ trợ nguồn lực kinh doanh và liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thay đổi việc làm cũng như là tạo sinh kế mới cho phụ nữ ở Hà Giang.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liễu, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Sơn Ý, thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên cho biết, thông qua hội thảo, Hợp tác xã đã đạt được hai thỏa thuận là bao tiêu sản phẩm dược liệu lá khôi nhung tía và hỗ trợ tư vấn về bao bì sản phẩm.
“Bản thân tôi và các hội viên của Hợp tác xã rất vui khi nhận được các thỏa thuận này, đặc biệt là thỏa thuận bao tiêu sản phẩm dược liệu lá khôi nhung tía. Đây là chìa khóa mở ra cơ hội phát triển của Hợp tác xã, tạo việc làm cho thành viên trong thời gian tới”, chị Nguyễn Thị Hồng Liễu chia sẻ.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2022, tại Hà Giang, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (dự án AWEEV).
Dự án AWEEV góp phần tăng cường phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy thực hiện quyền kinh tế, tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế. Việc tăng phúc lợi kinh tế và chất lượng cuộc sống góp phần giảm tình trạng nghèo của phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình của họ.
Dự kiến có trên 1.200 phụ nữ người dân tộc thiểu số ở 6 xã tại huyện Quang Bình được hưởng lợi từ hoạt động của dự án thông qua sự hợp tác giữa Tổ chức CARE với chính quyền địa phương trong hỗ trợ phát triển các nhóm sinh kế, khởi nghiệp. Các hoạt động của dự án gồm: Hỗ trợ phụ nữ thành lập các mô hình phát triển kinh tế từ cây chè, hỗ trợ kỹ thuật, thành lập nhóm cổ phần tài chính tự quản, kinh doanh, thúc đẩy trẻ mầm non đến trường…
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã chủ trì, vận động hỗ trợ được trên 330 hộ cải tạo vườn tạp.
Gia đình bà Hoàng Thị Hương, thôn Bản Tàn, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên thuộc diện hộ nghèo, có hơn 1.000 m2 đất vườn nhiều năm bỏ trống. Đầu năm 2021, được sự hỗ trợ từ chương trình cải tạo vườn tạp, gia đình bà trồng ổi. Đến nay, vườn ổi của gia đình bà phát triển tốt, vườn rau không những cung cấp thực phẩm cho gia đình mà còn bán ra thị trường, cải thiện thu nhập đáng kể.
Để tạo động lực khích lệ chị em nghèo tích cực cải tạo vườn tạp, các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện phong trào "Phụ nữ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình". Đến đầu năm 2022, các cấp Hội trên địa bàn đã giúp hơn 330 hộ cải tạo vườn tạp (trong đó có 191 hộ nghèo); vận động hỗ trợ 8.200 ngày công lao động, trên 63 triệu đồng cùng cây giống, con giống các loại và hỗ trợ vay vốn được trên 1 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Hà Giang hiện có hơn 500 doanh nghiệp, trên 160 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ và hơn 3.590 nữ tiểu thương, gần 500 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh theo loại hình kinh tế hộ. Các cấp Hội đã hỗ trợ trên 500 triệu đồng, hơn 50 nghìn ngày công và hàng nghìn cây, con giống giúp trên 1.330 hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đến nay có 6 kế hoạch khởi nghiệp đoạt giải tại “Ngày Hội phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội tổ chức, hàng trăm “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế” và mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng.
Nguyễn Chiến