Vườn cây ăn quả gia đình ông Phan Đức Vinh ở thị trấn Tân Uyên, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh :nhandan.com.vn |
Gia đình ông Phan Đức Vinh ở đội 6 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, vốn dĩ là hộ thuần nông. Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của nhà ông Vinh manh mún, chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Có đất, có nhân công nhưng thiếu sự đầu tư theo chiều sâu. Không có sự tham gia định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của chính quyền địa phương nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp rất thấp.
Những năm trở lại đây, nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa; áp dụng tốt khoa học kỹ thuật và chuyên tâm cho nông nghiệp nên mọi thứ đã có nhiều thay đổi. Gia đình ông Vinh đã có được vườn cây ăn quả gồm bưởi da xanh, na, ổi, thanh long hơn ba ha. Cùng với đó ông Vinh chăn nuôi hơn ba nghìn con gà, hàng chục trâu bò, hàng trăm con lợn cùng ao cá… Quy mô trang trại phát triển tốt, mỗi năm mang về cho gia đình ông Vinh thu nhập hơn 800 triệu đồng.
Không chỉ thu nhập cho gia đình, trang trại của ông Vinh còn giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập ổn định hơn năm triệu đồng/người/ tháng. Từ sự thành công của gia đình ông Vinh, hiện nhiều người dân cùng tổ đã học theo phát triển mô hình cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi tập trung.
Không phát triển mô hình chăn nuôi kiêm cây ăn quả, song những năm trở lại đây, gia đình ông Hoàng Văn Phúc ở bản Phiêng Phát 2, xã Trung Đồng, và nhiều hộ dân khác trong bản có cuộc sống khá giả từ cây chè. Đặc biệt như gia đình ông Phúc, từ cây chè và dịch vụ thu mua chè, mỗi năm gia đình có ngót tỷ đồng bỏ túi. Theo như ông Phúc, trước đây trong bản chỉ mình nhà ông trồng chè. Cây chè mang lại cho gia đình ông thu nhập và cuộc sống ổn định. Đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trong bản. Chính vì vậy, chỉ vài năm sau, bà con trong bản học theo ông tập trung trồng chè. Hiện ở bản Phiên Phát 2 hầu như hộ nào cũng có chè, cây chè đã làm thay đổi bộ mặt thôn bản, giúp bà con trong bản thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Theo ông Doãn Ngọ Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, huyện xác định lĩnh vực nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn trọng yếu. Từ đó quy hoạch phát triển vùng cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Hiện toàn huyện đã có các vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa như: vùng sản xuất lúa hàng hóa với các giống đặc sản địa phương như khẩu ký, séng cù, nếp Cò Giàng,... diện tích hơn 550 ha và đang tiếp tục được mở rộng. Vùng sản xuất chè đang phát triển nhanh, chỉ tính diện tích trồng mới cũng hơn 1.646 ha, toàn huyện hiện đã có gần ba nghìn ha. Ngoài ra, các vùng chuyên canh phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế như quế, sơn tra, mắc ca, cây ăn quả... với diện tích đã phát triển lên đến hàng nghìn ha. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo khai thác hiệu quả khu vực lòng hồ thủy điện bằng việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Hơn 16 nghìn m3 để nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng, cá chép, trắm... Đây là hướng mà huyện đã, đang thực hiện và cho hiệu quả bước đầu rất khả quan.
Ông Nguyễn Sỹ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, song song với việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, huyện rất quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, những sản phẩm trên địa bàn sản xuất ra đã được thị trường trong và ngoài huyện chấp nhận. Kết quả đó đem lại nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, trong những năm qua, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều sản phẩm nông sản của Tân Uyên xuất đi các nước và tỉnh bạn. Nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp Tân Uyên giảm nghèo nhanh với bình quân 6,74%/năm. Đến nay, toàn huyện còn khoảng 15,5% hộ nghèo; huyện đã ra khỏi danh sách 63 huyện nghèo của cả nước. Huyện đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lai Châu và đạt huyện chuẩn nông thôn mới.
Theo :nhandan.com.vn