Tâm tình với đàn goong

Tâm tình với đàn goong
Ông nói với khách mà như với chính mình: “Cây đàn này bằng tuổi thằng con trai út, cũng hơn 20 năm rồi. Đàn cũ nhưng âm thanh còn tốt lắm, đàn mới không bằng đâu. Vừa rồi mình mang sang đất nước Phần Lan biểu diễn có nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc khen âm thanh của goong là tuyệt hảo”.

Tiếng goong tâm tình
 
Nghệ nhân Rơ Châm Nguych bên cây đàn đã cất giữ hơn 20 năm
Nghệ nhân Rơ Châm Nguych bên cây đàn đã cất giữ hơn 20 năm
“Đàn goong do ông bà mình sáng tạo ra để gửi gắm nỗi lòng vào đó. Nỗi lòng ấy là niềm vui, nỗi buồn bật thành câu hát, goong biến những bài hát xưa cũ ấy thành tiếng đàn thánh thót. Có người nghe hiểu hết, có người lại khó cảm được”-Nguych vừa ngắm nghía cây đàn cũ, vừa rù rì trò chuyện. Theo ông, đàn goong độc đáo vì chuyển tải kho tàng âm nhạc độc đáo của người Jrai một cách giản dị, tự nhiên. Đó là kho báu về văn hóa dân tộc mà ông bà để lại, là những lời tự sự, là tiếng lòng sâu kín không dễ giãi bày nhưng mang tính giáo dục cao. Ông chia sẻ: “Người Jrai giáo dục con cháu không đao to búa lớn, nói nhẹ nhàng thôi, nhưng biết nghe thì thành người tốt cả”. Nói rồi ông cầm goong chơi một mạch hai bản nhạc “Dăm brông” (chàng trai đẹp) và “Dăm tin” (chàng trai xấu)-hai bài hát rất xưa cũ của người Jrai nhưng được nhiều thế hệ thuộc hát bởi vẻ đẹp tâm hồn và ý nghĩa nhân văn sâu xa của câu chuyện.

Dăm brông kể về chàng trai giỏi giang, đẹp người đẹp nết, luôn giúp đỡ mọi người, được dân làng yêu quý và nhiều cô gái ưng bụng. Ngược lại, Dăm tin kể về chàng trai lười nhác, suốt ngày lêu lổng, trộm cắp, không nghe lời cha mẹ. Dăm tin bị người ta đánh chết trong một lần chơi bời lêu lổng. Trong giây phút hấp hối, chàng trai nhớ đến hình bóng cha mẹ, về buôn làng thương yêu. Anh khóc trong niềm ân hận khôn nguôi vì khi nhận ra lẽ phải cũng là lúc cận kề cái chết. Niềm day dứt ân hận ấy bật thành những lời hát da diết trong “Dăm tin” khiến ai nghe cũng chạnh lòng. “Hồi xưa mỗi khi goong bài này lên, nhiều người khóc lắm. Đó là tấm gương luôn nhắc nhở các thế hệ người Jrai phải sống tốt với nhau, với buôn làng, để cái xấu không có cơ hội lấn át những thứ đẹp đẽ trong cuộc sống”- nghệ nhân giải thích thêm ý nghĩa của bản nhạc.

Thuộc hát hàng trăm bài nhạc xưa của người Jrai lẫn những bài nhạc mới sau này, nhưng tự nhận mình hát không hay, Nguych gửi gắm cả vào ngón đàn tài hoa, độc đáo của riêng ông. Ông đãi khách bằng những bản nhạc khi rộn rã, vui tươi, lúc da diết cô đơn, khi phẫn nộ trước những cái xấu… “Âm nhạc của người Jrai như một bức tranh kể câu chuyện sinh hoạt của làng. Nhưng nhiều thứ bây giờ không còn nữa nên lũ trẻ không hiểu được. Chẳng hạn “Muốn bắt con nai” là bài hát xưa cũ và rất phổ biến thời ông bà mình, kể về một chàng trai đi săn trong rừng sâu, anh muốn bắt con nai, con mang, con heo về khoe với dân làng, với các cô gái. Nhưng trong lúc nghỉ chân, nhìn rừng già mênh mông anh thấy nỗi cô đơn vô tận. Nhưng đó là nỗi buồn, nỗi cô đơn trong sáng, là những tự sự rất con người. Cuộc sống tự do phóng khoáng, đẹp như thơ ấy nay không còn nữa. Vì thế mình chơi bản nhạc xưa cũ này như một sự tiếc nhớ những thứ đã qua không bao giờ trở lại…”-nghệ nhân trải lòng.

Tiếc nuối tiếng đàn goong

Thạo goong từ năm 12 tuổi khi tối nào Nguych cũng theo người anh họ mang goong đi “tán gái”. “Nhiều người nói mình còn nhỏ vậy sao đã biết tán gái. Nhưng mình chỉ mê tiếng đàn goong của anh họ mà theo chân đi khắp các làng. Mỗi khi người này nghỉ tay, mình tranh thủ cầm goong chơi. Loại đàn này rất khó học, nhờ nhiều vào năng khiếu, nhìn người khác chơi rồi bắt chước thôi, không phải dạy mà biết đánh”-Nguych kể. Ngón đàn tài hoa của Nguych nhanh chóng lan xa khắp vùng. Nhiều chục năm trôi qua, cả làng, cả xã cũng chỉ hiếm hoi được vài người biết chơi goong. Ông thường được mời đi biểu diễn ở nhiều liên hoan âm nhạc dân tộc ở khắp các thành phố lớn và mới đây đi biểu diễn trong lễ hội âm nhạc dân gian tại Phần Lan.

Một chuyên gia người Australia nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên vừa tìm đến nhà Rơ Châm Nguych để tận nghe ông goong. Nhà nghiên cứu này đã bày tỏ sự thích thú khi được thưởng thức ngón đàn tài hoa của nghệ nhân. Ông bày tỏ niềm thán phục trước sáng tạo của người bản địa Tây Nguyên trong âm nhạc, trong việc sáng tạo các nhạc cụ dân tộc đơn giản nhưng vô cùng độc đáo, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Trao đổi với khách bằng vốn tiếng Anh lúc nhớ lúc quên, Nguych tự hào trước những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông. Ông còn mang theo niềm tự hào ấy sang cả trời Tây khi giới thiệu đàn goong và biểu diễn cho bạn bè quốc tế thưởng thức. Thế nhưng, nghệ nhân lại tỏ ra ưu tư bởi những giá trị văn hóa đẹp đẽ, độc đáo được thế giới vinh danh nhưng ngay trong môi trường diễn xướng, goong đang dần bị lãng quên. “Học goong khó nên chẳng mấy ai còn mặn mà. Ngay cả đứa cháu rất mê đàn goong nhưng học mãi không biết chơi nên chuyển qua học ghi ta. Thằng con mình cũng mê goong lắm mà cũng đầu hàng rồi”- Nguych trầm ngâm kể.  

Tiếng đàn goong đầy tình tự có còn ai nghe nữa không khi đám thanh niên giờ chỉ mê những âm thanh sôi động của ghi ta điện, của organ; người già mê xem ti vi hơn mê đàn? Goong có còn vang tiếng trong những đêm xuân để trai gái lại gần với nhau? Mang nặng câu hỏi ấy trong lòng nên mỗi khi ôm đàn, ông goong bằng cả niềm tiếc nuối khôn nguôi…
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm