Nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội. Đó là tấm gương mẫu mực của thầy giáo Nguyễn Như Diệp, một điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016- 2021 tại tỉnh Bình Thuận.
Bằng nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp trồng người, gần 28 năm công tác, đảm nhiệm nhiều vị trí, chức vụ, đơn vị khác nhau, nhưng ở cương vị nào thầy Nguyễn Như Diệp (sinh năm 1973), Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, xã Đức Tín, huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) cũng tận tâm, tận tụy với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đức Tín là một xã nghèo với đa số người dân làm nông nghiệp, lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Như Diệp luôn trăn trở về trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục. Thầy Diệp cùng Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động, nền nếp dạy học sát với tình hình thực tế của học sinh địa phương và thực tế nhà trường như: Giải pháp giúp học sinh dân tộc thiểu số tích cực tham gia học tập môn Toán; dạy học môn Toán như thế nào cho tốt; triển khai sâu rộng cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", "Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh ngồi nhầm lớp"…
Bên cạnh đó, thầy giáo Nguyễn Như Diệp luôn tạo động lực cho đội ngũ giáo viên nhà trường có cơ hội phát triển về năng lực cũng như sở trường cá nhân; đồng thời giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch môn học, bài giảng, đảm bảo đúng quy định về số tiết; chỉ đạo việc bổ sung những kiến thức mới để nâng cao hiệu quả giảng dạy, từ đó chất lượng dạy và học ngày càng được cải thiện.
Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong những năm qua, thầy và trò Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh luôn đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác. Các phong trào thi đua “Học tập và làm theo lời Bác” luôn được thầy Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu cụ thể hóa, gắn với nội dung yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Việc “làm theo” được cụ thể hóa bằng các hành động thông qua các phong trào như: xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…
Từ suy nghĩ, nhận thức đã chuyển biến thành hành động, thầy Diệp cùng đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo không dùng bạo lực hay những lời nói không đúng mực trong cư xử với học sinh. Đối với những học sinh cá biệt, muốn bỏ học giữa chừng, thầy cô giáo trong trường dùng lòng vị tha, bao dung và chân tình để khuyên răn, cảm hóa và giúp đỡ các em tiếp tục đến trường. Thầy Nguyễn Như Diệp chia sẻ: "Học và làm theo Bác, không gì hơn là bản thân tôi tự nêu gương, dạy thật tốt, sống thật tốt, tự soi rọi mình để sửa chữa và hoàn thiện. Chúng tôi mong muốn dành tình yêu thương, sự bao dung để dạy dỗ các thế hệ học trò của mình. Để từ đó, lòng yêu thương, sự sẻ chia được nuôi dưỡng, lan tỏa từ chính ngôi trường của chúng tôi".
Sinh thời Bác Hồ dạy: “Phải xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân mà làm những việc có thể nhằm làm giảm bớt đau thương cho họ”. Khắc ghi lời dạy đó, thầy giáo Diệp đã luôn thầm lặng giúp đỡ những người bệnh tật, hoạn nạn, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Hơn 10 năm trở lại đây, trích từ tiền lương ít ỏi của nhà giáo, thầy Diệp cùng các nhà hảo tâm chăm lo “nồi cháo từ thiện” hàng tháng ở Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận; thường xuyên gom góp quần áo cho người nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng và giúp đỡ học sinh nghèo, tham gia hiến máu nhân đạo…
Câu chuyện cảm động và không bao giờ quên trong hành trình thiện nguyện của thầy giáo Diệp là ông đã hiến tặng một quả thận của mình để mang lại sự sống cho người khác. Thầy giáo Diệp nhớ lại, mặc dù đã đăng ký hiến tặng thận từ trước nhưng năm 2018, trong một lần tình cờ gặp tại Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận, thầy Diệp mới biết được chị Nguyễn Thị Lụa, khu phố 2, thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, đang chạy thận và chưa tìm được người hiến thận, thầy Diệp đã tình nguyện hiến thận cho chị Lụa. Sau nhiều thủ tục, các chỉ số xét nghiệm đều tương thích, ca ghép thận được tiến hành và thành công.
Khi nhắc về câu chuyện này, thầy Diệp kể: "Thời điểm đó, đã không ít lời khen tiếng chê, cùng sự hồ nghi về chuyện hiến thận. Họ cho rằng mình “điên rồ”, “chơi ngông” vì bỗng nhiên đem quả thận quý giá, sức khỏe tặng cho người dưng. Đáp lại, tôi chỉ cười và làm đúng cái tâm của mình, bởi từ nhỏ, từng chứng kiến những người nghèo, những người bệnh tật ốm đau, không thể cứu chữa, bản thân luôn mong muốn sẵn sàng giúp người, giúp đời nếu có thể".
Đến nay, đã gần 3 năm sau ca mổ, cả chị Lụa và thầy Diệp đều khỏe mạnh. Câu chuyện người thầy giáo ở vùng quê nghèo hết lòng vì những học trò nghèo, vì những hoàn cảnh hoạn nạn… tiếp tục được kể lại như một cách để lan tỏa những hành động đẹp, ý nghĩa cho đời. Âm thầm trao đi sự yêu thương và gom góp về những thanh thản, an vui trong lòng, thầy giáo Diệp khiêm tốn cho rằng, làm việc thiện là điều tự nhiên và không có gì to tát.
Với những đóng góp của mình, thầy giáo Nguyễn Như Diệp đã được các cấp chính quyền địa phương khen thưởng cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, mới đây, thầy Diệp là cá nhân duy nhất của tỉnh đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có thể nói, tấm gương thầy giáo Nguyễn Như Diệp là một bông hoa tươi thắm, góp thêm sắc màu vào vườn hoa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được biểu dương, nhân rộng.
Hồng Hiếu