![]() |
Nhiều du khách vui lòng trả một khoản phí nhỏ để được thỏa sức chụp những bức ảnh đẹp giữa mùa hoaTam giác mạch. |
Mấy năm gần đây, khi Cao nguyên đá Đồng Văn góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng đông và hoa TGM trở thành “cơn sốt du lịch” của giới trẻ, điều này không chỉ giúp Hà Giang thu về nguồn doanh thu lớn từ du lịch mà đồng thời cũng đặt ra “bài toán” về phát triển bền vững du lịch gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng trồng hoa. Năm nay, tỉnh ta tổ chức Lễ hội Hoa TGM lần thứ 2 với quy mô lớn và nhiều chương trình, nội dung hấp dẫn, trong đó việc trồng gần 1.000 ha hoa TGM tại các địa điểm dừng chân, điểm du lịch và dọc Quốc lộ 4C tạo cho du khách có cảm giác như lạc vào miền cổ tích với bạt ngàn hoa. Người trồng hoa không chỉ được hỗ trợ về giống, phân bón mà với công sức lao động trồng và chăm sóc hoa của mình, họ có thể thu một khoản tiền phí phù hợp khi du khách vào ruộng hoa chụp ảnh. Bên cạnh đó, nguồn thu lớn nhất giúp người dân nâng cao thu nhập là từ hạt TGM. Trước đây, hạt TGM chủ yếu được người dân làm bánh nướng bán ở chợ phiên, hay nấu rượu phục vụ nhu cầu của cuộc sống, thì nay, tất cả sản lượng hạt TGM được các cơ sở sản xuất rượu và bánh, kẹo TGM thu mua hết với giá cao. Mặc dù được khuyến khích trồng nhiều phục vụ Lễ hội nhưng người dân không còn nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm. Được biết HTX dịch vụ vận tải Bắc Nam với cơ sở sản xuất bánh, kẹo mang tên Thành Thịnh đã đầu tư trang thiết bị, dây chuyển sản xuất hàng trăm triệu đồng để sản xuất ra các loại bánh từ hạt TGM như: Bánh dẻo, bánh giòn, bánh quế TGM. Mỗi năm có thể tiêu thụ hàng trăm tấn hạt TGM của người dân. Giám đốc HTX dịch vụ vận tải Bắc Nam, Phạm Ngọc Dự chia sẻ: “Năm nay, số lượng diện tích trồng hoa trên Cao nguyên đá lớn, có thể đạt sản lượng trên 100 tấn, HTX sẽ thu mua hết cho bà con với giá thị trường giao động từ 24.000 – 26.000 đồng/kg hạt khô. HTX cũng đã ký kết với người dân xã Sủng Là, Ma Lé (Đồng Văn) sẽ bao tiêu toàn bộ hạt TGM”. Như vậy, nếu làm một phép toán lấy sản lượng trên 100 tấn, nhân với giá thành 24.000 – 26.000đồng/kg hạt, thì số tiền thu được từ hạt TGM không hề nhỏ với người dân ở vùng biên ải còn nhiều khó khăn này.
Bên cạnh các loại bánh TGM được đóng gói cẩn thận, bao bì đẹp mắt, hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng, làm hài lòng du khách khi muốn mang đặc sản cao nguyên về làm quà cho người thân, thì rượu TGM cũng là đặc sản làm chếnh choáng men nồng bao thực khách. Với nhiều cơ sở sản xuất rượu hoạt động hiệu quả cũng đang tiêu thụ lượng lớn hạt TGM giúp người trồng hoa yên tâm sản xuất.
![]() |
Sản phẩm bánh TGM của HTX dịch vụ vận tải Bắc Nam. |
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác phát triển du lịch, chương trình tài trợ, hỗ trợ phát triển làng nghề... tạo cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều người được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nhà hàng, khách sạn, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Nếu Đà Lạt có Lễ hội Hoa để cho muôn loài hoa khoe sắc, thì ở miền biên ải Hà Giang cũng có một Lễ hội hoa nhưng là nơi chỉ duy nhất một loài hoa nhỏ bé, vươn lên khoe sắc giữa điệp trùng miền đá xám. Với việc tạo ra nhiều sinh kế cho người dân, tôi chợt nhận ra vẻ đẹp của TGM không chỉ nằm trên những màu sắc phơn phớt hồng, ánh tím kia, mà loại cây thân thảo mộc nhỏ bé này đã làm ấm lòng người dân nơi cực Bắc Tổ quốc.