Người dân ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đang làm nghề rèn. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Xác định được lợi thế, tiềm năng phát triển của địa phương, năm 2001, Đảng bộ xã Phúc Sen đã có Nghị quyết về thực hiện "Ba nhiều". Để thực hiện Nghị quyết, xã Phúc Sen đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, gia đình, các tổ hợp kinh tế hoạt động và phát triển; hướng dẫn kĩ thuật, cung ứng đủ các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng tốt cho nông dân; liên hệ tìm nơi tiêu thụ sản phẩm cho bà con...
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết “ba nhiều”, cùng với truyền thống cần cù, chịu khó, ham học hỏi, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Phúc Sen đã không ngừng thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng các sản phẩm của nghề rèn thủ công; phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc... Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân không ngừng tăng lên.
Trồng nhiều cây là nội dung đầu tiên trong Nghị quyết. Nếu như trước đây trên những cánh đồng của xã chỉ trồng một vụ lúa, nay Phúc Sen được gọi tên là “vùng quê đất không nghỉ”, người nông dân đã biết thâm canh cây trồng. Hết mùa lúa, người dân tiếp tục cày ải để trồng hoa màu như khoai lang, các loại rau củ quả, vừng, lạc... Nông sản đã được bà con biến thành hàng hóa. Nhiều nông sản đã trở thành thương hiệu và khẳng định giá trị trên thị trường như khoai lang, rau, củ cải Phúc Sen...
Đến xã Phúc Sen vào mọi thời điểm trong năm, đâu đâu cũng nghe tiếng búa rền vang của nghề rèn. Có từ lâu đời, trải qua hàng trăm năm, nghề rèn đang ngày một phát triển và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Đang đập búa rèn dao, vợ chồng ông Nông Văn Học, Nông Thị Chang (xóm Phia Chang Dưới, xã Phúc Sen) cho biết, mỗi ngày rèn được từ 5 - 8 con dao. Với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/con dao, gia đình anh thu được trên 300.000 đồng. Dao chủ yếu bán cho khách du lịch và giao hàng tới một số đại lý bán nông cụ trên địa bàn. Tương tự, gia đình anh Nông Văn Hoan, ông Lương Văn Bạch (xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen), mỗi ngày trung bình làm được trên 15 con dao, thu nhập từ nghề rèn đạt trên 150 triệu đồng/năm...
Bên cạnh nghề rèn truyền thống, địa bàn xã Phúc Sen còn có một công ty và ba hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Trong ngôi nhà mới khang trang, ông Nông Văn Đài (xóm Lũng Sâu, xã Phúc Sen) cho biết, Lũng Sâu có 29/29 hộ nuôi gia súc. Đây là một trong những xóm nuôi nhiều trâu bò, gia súc của xã Phúc Sen. Nếu như ngày trước, các hộ chủ yếu chăn nuôi gia súc để lấy sức kéo, nay nhiều hộ gia đình đã chuyển sang nuôi trâu bò thịt vỗ béo. Gia đình ông Đài đang nuôi 4 con trâu, sau khi vỗ béo xong mỗi con trâu bán ra thị trường được lãi từ 10 - 15 triệu. Mỗi năm vỗ béo từ 2 - 3 lứa trâu là gia đình có nguồn thu nhập ổn định...
Người dân ở xóm Phia Chang Dưới, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đang làm nghề rèn. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Bên cạnh việc chú trọng phát triển nghề rèn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân xã Phúc Sen tiếp cận với các ngành nghề dịch vụ du lịch. Du khách đến Phúc Sen sẽ được trải nghiệm những ngành nghề truyền thống như nghề dệt vải chàm, nghề đan lát và nghề rèn của người Nùng An; trải nghiệm cuộc sống của người dân tại làng văn hóa du lịch Pác Rằng. Theo thống kê, Làng du lịch cộng đồng Pác Rằng mỗi năm thu hút trên 1.000 lượt khách du lịch, đón 300 - 450 lượt khách nước ngoài đến trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng An. Qua đó, nguồn thu nhập của người dân tăng đáng kể.
Từ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, năm 2016, xã Phúc Sen đã về đích, là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Cao Bằng hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sau khi được công nhận đạt chuẩn, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới luôn được xã duy trì, giữ vững và ngày càng phát triển.
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen Nông Văn Chung chia sẻ, từ khi Nghị quyết “Ba nhiều” ra đời, cùng với tận dụng và phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, hàng năm các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, thu nhập bình quân đạt trên 25 triệu/người/năm. Giá trị sản xuất từ nghề rèn truyền thống đạt trên 30 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,6%...
Thời gian tới, xã Phúc Sen tập trung vào phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng nông thôn tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Với những kết quả đã đạt được, xã Phúc Sen đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2001), Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2016 – 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Chu Hiệu