Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân

Tình trạng sạt trượt đất gây ảnh hưởng đến cụm công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước Đông Thanh khiến nhiều hạng mục bị nghiêng, nứt, dịch chuyển, đẩy nổi… so với ban đầu. Ảnh: TTXVN phát
Tình trạng sạt trượt đất gây ảnh hưởng đến cụm công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước Đông Thanh khiến nhiều hạng mục bị nghiêng, nứt, dịch chuyển, đẩy nổi… so với ban đầu. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 8/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, cùng các chuyên gia đã đi kiểm tra sự cố sạt trượt tại công trình hồ chứa nước xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).

Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân ảnh 1Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (áo trắng đứng giữa) cùng các chuyên gia phân tích nguyên nhân sạt lở. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định cần nghiên cứu để đề ra và thực hiện các giải pháp dài hơi, xử lý dứt điểm sự cố tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh. Trước những kiến nghị bức xúc của người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà và chủ đầu tư công trình xử lý vấn đề cấp bách, trước mắt là giải quyết nhu cầu đường đi, điện sinh hoạt cho khoảng 50 hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.

Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân ảnh 2Các chuyên gia kiểm tra hiện trạng công trình hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc: tháng 7/2023, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cao gấp 20 - 30 lần cùng kỳ các năm trước. Ngập lụt đã xảy ra tại các địa bàn thành phố Bảo Lộc và các huyện Đạ Huoai, Lâm Hà… Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện khảo sát các điểm có nguy cơ sạt lở để đưa ra giải pháp trước mắt. Với tình trạng sạt lở trên các tuyến quốc lộ, các đơn vị đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; khảo sát các vị trí sạt lở khu dân cư, công trình dân sự, đánh giá lại hệ thống hồ thủy lợi, kênh mương, thoát nước; đánh giá nguy cơ trực tiếp tại các điểm dân cư… Sắp tới, tỉnh sẽ mời các chuyên gia tại các bộ, ngành, trường đại học tham gia hội thảo để có giải pháp lâu dài. Tỉnh kiến nghị Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng các chuyên gia dưa ra các ý kiến, giúp cho tỉnh Lâm Đồng đưa ra các giải pháp lâu dài để xử lý triệt để tình trạng sạt trượt trên địa bàn toàn tỉnh.

Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân ảnh 3Căn biệt thự ven hồ bị sụt lún do dòng chảy ngầm. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao tính chủ động của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khi khoan thăm dò 15 mũi tại khu vực hồ Đông Thanh, chủ động ứng phó cao khi xử lý vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc. Bởi vậy, 12 tiếng đã thông xe sau khi hoàn thành công tác cứu hộ. Ông Hiệp nhận định diễn biến thời tiết ở Lâm Đồng đang rất bất thường, nên cần xây dựng kịch bản ứng phó khác trong tương lai. Cơ cấu nông nghiệp của Lâm Đồng vẫn chiếm tỷ lệ cao nên cần giảm tỷ trọng xuống khoảng 10%, trong đó lồng ghép phòng, chống thiên tai trong phát triển nông nghiệp. Lâm Đồng cần sớm tổ chức hội thảo nhằm đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn phòng, chống thiên tai. Trước mắt trong mùa mưa này, tỉnh cần xác định rõ 163 điểm đã xử lý được những điểm nào, trên tinh thần tính mạng người dân là quan trọng. Đối với những điểm sạt lở vượt quá khả năng xử lý, tỉnh cần báo cáo Trung ương hỗ trợ. Về thực trạng sạt lở tại thành phố Đà Lạt, khách du lịch không đến khi không cảm thấy an toàn. Tại đây có 2 vấn đề: cứ mưa là ngập lụt và sạt trượt, Bộ sẽ nghiên cứu giúp đỡ Đà Lạt xử lý tình trạng trên.

Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân ảnh 4Đất đá từ ta luy dương sạt lở xuống phía sau căn nhà ven hồ. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Riêng về hồ Đông Thanh, Đoàn công tác đề nghị tỉnh cần hoàn thành khoan thăm dò tại 15 điểm, chú ý khoan và đánh giá khu vực khối thượng lưu; chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia thăm dò, khảo sát chính xác vùng sạt trượt để đưa ra giải pháp phù hợp làm chậm lại sự di chuyển của khối trượt. Các chuyên gia trong Đoàn đánh giá tình trạng sạt trượt này không phải do mưa là chính, do đó tỉnh phải hạ tải cho công trình theo nguyên tắc nặng chân, nhẹ đầu; thực hiện giải pháp thoát nước ngầm và thoát nước mặt; rà soát lại việc thi công trên công trường. Hiện, Hồ đang sạt trượt vai phải, thượng lưu và hạ lưu nên trước mắt một số rãnh thoát nước hạ lưu phải được làm ngay. Bên cạnh đó, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt việc xử lý các bức xúc của người dân sinh sống trong khu vực…

Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân ảnh 5Một căn biệt thự ven hồ bị sạt lở hư hỏng nặng. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Hồ chứa nước Đông Thanh là công trình loại B với mục tiêu cung cấp nước tưới cho 700 ha đất canh tác cà phê, dâu tằm, hồ tiêu… trong khu vực. Với diện tích lưu vực 11km2, dung tích 2,88 triệu m3, công trình này sẽ tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân của huyện Lâm Hà. Công trình có tổng đầu tư 500 tỷ đồng được Chính phủ phê duyệt, đang giai đoạn thi công chưa cấp nước.

Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân ảnh 6Một căn nhà ven hồ bị hư hỏng, cả gia đình đã di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, tình trạng sạt trượt, sụt lún đất tại khu vực công trình thi công hồ chứa nước Đông Thanh đã ảnh hưởng đến 9 hộ dân tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà; ảnh hưởng, gây chuyển vị trí tràn xả lũ hồ chứa nước Đông Thanh.

Sự cố sạt trượt công trình hồ Đông Thanh: Giải quyết nhu cầu cấp bách cho dân ảnh 7Toàn cảnh công trình hồ chứa nước Đông Thanh. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Trước đó ngày 2/8/2023, phóng viên TTXVN đã đưa tin sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà) gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và hơn 50.000m2 đất sản xuất của người dân. Tình trạng này xuất hiện từ đầu tháng 7 và kéo dài đến nay tại khu vực sườn đồi, sát với khu vực thi công xây dựng gói thầu số 13 hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, Lâm Hà). Theo thống kê nhanh của UBND huyện Lâm Hà, tình trạng sụt lún, sạt trượt đất trên đã ảnh hưởng đến 9 hộ dân với 53.800m2 đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 5 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp (4 hộ có nhà ở, một hộ không có nhà), 4 hộ khác có nguy cơ bị ảnh hưởng do các vết nứt lan rộng và 500m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt lún, sạt trượt.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các đơn vị di dời 4 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; đồng thời thống kê tài sản, thiệt hại của một số hộ dân để có phương án hỗ trợ (nếu có). Hiện tại, các hộ dân bị ảnh hưởng đã tạm thời ổn định cuộc sống.

Quốc Hùng- Nguyễn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm