Sơn La ổn định cuộc sống của người dân sau các trận động đất

Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La thăm hỏi, tặng quà cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi động đất tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La thăm hỏi, tặng quà cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi động đất tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Từ 12 giờ ngày 27/7 đến 21 giờ ngày 28/7, trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra 16 lần động đất và dư chấn. Trong đó, trận động đất xảy ra vào trưa 27/7 với độ lớn 5.3 đã gây thiệt hại tại một số khu dân cư trên địa bàn huyện Mộc Châu. Trước tình hình đó, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng.

Sơn La ổn định cuộc sống của người dân sau các trận động đất ảnh 1 Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La thăm hỏi, tặng quà cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi động đất tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, theo người dân ở đây, cứ cách từ 2 đến 3 tiếng lại có một trận dư chấn mạnh làm rung chuyển nhà cửa. Bản Nậm Tôm thuộc khu tái định cư thủy điện Sơn La thiệt hại lớn nhất. Cả bản với hơn 70 hộ, có tới 38 hộ bị ảnh hưởng, nhiều nhà bị sập mái ngói hoàn toàn, nứt tường, hư hỏng đồ dùng. Một số hộ dân khác phải sơ tán ra lán trại hoặc đi ở nhờ nhà người thân. Ông Lò Văn Sâm cho biết, trận động đất mạnh nhất vào trưa 27/7, khi đó gia đình ông đang ở trong nhà, thấy nhà bị rung lên, ngói rơi xuống rất nhiều. Ông và mọi người phải chạy ra ngoài để tránh bị thương. Ngày 28/7 vẫn còn một số trận động đất và dư chấn xảy ra nhưng với cường độ nhẹ hơn. gia đình ông đã được các đoàn thể trong bản, chính quyền xã đến giúp lợp lại mái ngói, dọn dẹp vệ sinh để ổn định cuộc sống.

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mộc Châu, tính đến 16 giờ ngày 28/7, có 287 nhà ở bị thiệt hại do động đất và dư chấn. Trong đó, các xã Tà Lại, Nà Mòn nhiều nhất với gần 200 ngôi nhà. Ngoài ra, động đất còn làm sụt nền nhà, nứt tường, trần nhà, vỡ ngói trụ sở làm việc UBND các xã Nà Mường, Tà Lại, Lóng Sập, Tân Hợp; hư hỏng 8 nhà văn hóa ở xã Tà Lại, Tân Hợp; 3 trạm y tế ở các xã Tà Lại, Quy Hướng, Nà Mường, 7 điểm trường học ở các xã Tà Lại, Tân Hợp, Nà Mường, Chiềng Khừa.

Chị Bùi Thị Nga, người dân bản Tháng Năm, xã Tà Lại chia sẻ, hai vợ chồng đang đi làm ăn ở xa, nhận được tin báo ngôi nhà vừa mới xây bị sập mái ngói do động đất. Vì thế, vợ chồng chị vội trở về để khắc phục hậu quả. Hiện, gia đình chị đang phải ở nhờ nhà bố mẹ. Chị Nga mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống.

Ngay sau các trận động đất và dư chấn, tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu đã thành lập nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã thành lập tổ công tác kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại, huy động các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống theo phương châm 4 tại chỗ.

Ông Cao Viết Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, các cấp chính quyền địa phương đã huy động những hộ dân không bị ảnh hưởng đến giúp đỡ các hộ bị thiệt hại; đồng thời, tuyên truyền đến người dân những biện pháp để đảm bảo an toàn khi xảy ra động đất.

Sơn La ổn định cuộc sống của người dân sau các trận động đất ảnh 2 Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La kiểm tra tình hình thiệt hại do động đất tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tỉnh Sơn La đã kiểm tra an toàn tại các hồ chứa, đập chứa và đập thủy điện. Theo báo cáo ban đầu, các hồ chứa và đập thủy điện lớn như: Thủy điện Sơn La, hồ bản Mòng có ghi nhận các dư chấn, nhưng đến nay không phát hiện bất thường. Ngày 28/7, Đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu đã đến Mộc Châu để khảo sát tại tâm chấn và các khu vực bị ảnh hưởng. Dự kiến, đoàn sẽ kiểm tra và khảo sát trong thời gian 10 ngày.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết, với các thiệt hại nhỏ, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương tự khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ. Với các công trình lớn bị hư hỏng, tỉnh sẽ có các phương án hỗ trợ địa phương. Sau rà soát các vùng có nguy cơ bị sạt lở, mất an toàn, tỉnh sẽ đưa ra phương án ứng phó phù hợp. Với các khu vực bị sạt lở do động đất ngày 27/7, tỉnh đã yêu cầu địa phương cắm biển cảnh báo, không cho người dân đến các khu vực này để đảm bảo an toàn cũng như tuyên truyền để người dân nắm được những biện pháp đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra bất ngờ.


Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm