Sơn La khắc phục thực trạng không có giấy khai sinh vì quyền lợi trẻ em vùng cao

Sơn La khắc phục thực trạng không có giấy khai sinh vì quyền lợi trẻ em vùng cao
Giờ học của trẻ mầm non ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Giờ học của trẻ mầm non ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Nhận thức của người dân còn hạn chế

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Sốp Cộp, xã Mường Lạn là một trong những địa bàn có số trẻ trong độ tuổi đến trường chưa được đăng kí khai sinh nhiều nhất với hơn 90 em. Đây là xã vùng biên với 6 dân tộc cùng sinh sống. Chính phong tục tập quán với nhiều điểm khác nhau đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề khai sinh cho trẻ.

Ông Quàng Văn Cán, cán bộ tư pháp hộ tịch xã Mường Lạn cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng này là các cặp bố mẹ không có giấy tờ tùy thân và thuộc diện tảo hôn; chỉ tính riêng năm 2018 tại xã có 18 cặp chưa đủ tuổi nhưng đã kết hôn. Theo Luật Hôn nhân gia đình, những cặp vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn vẫn được quyền khai sinh cho con và lấy theo họ mẹ, phần của người cha bỏ trống, sau này khi hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, sẽ làm văn bản thừa nhận con chung và có quyền cải chính họ của con theo người bố. Tuy nhiên, do phong tục tập quán, nhiều người dân địa phương không đồng ý và không đi đăng ký khai sinh cho con.

Năm học 2018 – 2019, huyện Sốp Cộp có gần 16.000 học sinh, trong đó có khoảng 140 em trong độ tuổi đến trường nhưng chưa có giấy khai sinh. Số trẻ này tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, sinh sống ở các bản vùng cao, vùng sâu và các xã biên giới như Mường Lèo, Mường Lạn, Sam Kha…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên, ngoài hệ quả từ nạn tảo hôn còn do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân ở các bản biên giới chưa cao. Bà con không nhận thức được tầm quan trọng của việc làm giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác cho con em mình. Chỉ đến khi đi khám sức khỏe hay có vướng mắc về các chế độ chính sách thì họ mới thực hiện việc đăng kí khai sinh cho con em mình. Bên cạnh đó là tình trạng kết hôn không giá thú với công dân nước ngoài.

Các giáo viên mầm non xã Mường Lạn tuyên truyền, vận động người dân làm giấy khai sinh cho trẻ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Các giáo viên mầm non xã Mường Lạn tuyên truyền, vận động người dân làm giấy khai sinh cho trẻ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Đảm bảo quyền lợi cho trẻ em vùng cao

Điểm trường mầm non bản Huổi Pá thuộc Trường mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn, có 3 lớp với hơn 90 học sinh, 100% là người dân tộc Mông. Trong số học sinh ở đây có hơn 20 em chưa có hồ sơ, khai sinh. Cô Quàng Thị Hương ở điểm trường mầm non Huổi Pá cho biết, nếu không có hồ sơ các cháu sẽ không được hưởng các chế độ hỗ trợ ăn trưa, thuộc diện hộ nghèo. Giáo viên thường xuyên vận động phụ huynh làm hồ sơ cho các em nhưng nhiều gia đình do điều kiện khó khăn, cùng với việc tảo hôn vẫn phổ biến nên chưa thể làm được.

Giờ học của trẻ mầm non ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Giờ học của trẻ mầm non ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Theo thống kê của Trường mầm non Hoa Phong Lan, 71 em hiện không có hồ sơ để hưởng các chế độ là những học sinh có bố mẹ ở xã Mường Lạn, còn những học sinh ngoại trú từ nơi khác đến vẫn chưa được thống kê cụ thể. Bà Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phong Lan cho biết, hàng năm nhà trường đều huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp, dù các em có hồ sơ hay không. Khi lập chế độ, chính sách cho học sinh, những em chưa có giấy khai sinh và hộ khẩu sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ thuộc nhóm 2, 4 và 5 tuổi. Ngoài ra, các cháu thuộc hộ nghèo cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập.

Trong quá trình điều tra phổ cập, các giáo viên cũng gặp không ít khó khăn vì học sinh không có giấy khai sinh. Nguyên nhân là do hôm nay đi điều tra thì số liệu lại khác ngày hôm sau. Thực tế này xuất phát từ việc chính phụ huynh không nhớ được con em mình sinh vào ngày tháng năm nào, cũng không có một giấy tờ tùy thân gì để xác định đúng thời gian.

Số trẻ không có giấy khai sinh chủ yếu sinh sống ở các bản vùng cao, biên giới. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Số trẻ không có giấy khai sinh chủ yếu sinh sống ở các bản vùng cao, biên giới. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp cho biết thêm, trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân gia đình và các chế độ chính sách liên quan cho người dân, trong đó chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng biên giới; đồng thời tiến hành rà soát, đăng ký lưu động đối với những trẻ chưa có giấy khai sinh. Đối với các hộ có đủ điều kiện để cấp giấy khai sinh nhưng chưa đăng ký, nhà trường sẽ tạo điều kiện để đảm bảo chế độ, chính sách cho các cháu. Với các trường hợp trẻ không có giấy khai sinh do bố mẹ kết hôn không giá thú và di cư tự do, huyện sẽ chờ sau khi có danh sách phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, để tiến hành đăng ký kết hôn và khai sinh theo đúng quy định.
Hữu Quyết  - Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm