Người dân xã Mường Bang giúp nhau dựng lại nhà cửa sau lũ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Điểm tái định cư tại chỗ của hơn 20 hộ dân bản Sọc, xã Mường Bang, một trong những bản chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai nằm ở vị trí khá cao, cách xa dòng suối chính chảy qua khu vực này. Sau trận lũ lịch sử tháng 10/2017, đồng bào đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục nhà cửa, ruộng vườn. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ số tiền hỗ trợ của chính quyền địa phương là 40 triệu đồng đối với hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn và 10 triệu đồng đối với hộ phải di chuyển khẩn cấp, bà con ở đây đã từng bước sửa sang, làm lại nhà. Trong quá trình dựng lại nhà, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền, người dân đã phát huy tinh thần đoàn kết cùng giúp nhau vượt qua lúc khó khăn. Người có công giúp công, người có của giúp của. Nhờ đó, những ngôi nhà kiên cố, phù hợp với phong tục tập quán sinh sống của người dân đã nhanh chóng được dựng lại. Cuộc sống của các hộ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã dần ổn định. Ông Phùng Văn Thó, người dân bản Sọc chia sẻ, ở đây, người trẻ có sức vác cây gỗ to như cột nhà, các cụ giúp bằng tinh thần. Thời gian sau lũ, hầu như không có ngày nghỉ, mọi người đều giúp bà con trong bản làm nhà. Hết nhà này rồi đến nhà kia. Các nhóm liên gia tự quản thường xuyên vận động anh em giúp bà con trong bản ổn định đời sống.
Một điểm tái định cư nội bản cho các hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa ở xã Mường Bang. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Mường Bang là xã bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Phù Yên trong trận mưa lũ năm 2017 với gần 70 hộ dân bị mất toàn bộ nhà cửa; 15 hộ phải di dời khẩn cấp. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đều bị ảnh hưởng; diện tích trồng lúa, ngô bị thiệt hại nặng nề. Tổng thiệt hại lên đến hơn 91 tỷ đồng. Công việc khắc phục hậu quả mưa lũ và tái thiết, bố trí tái định cư cho các hộ đã được các cấp, các ngành trong huyện khẩn trương triển khai thực hiện. Hiện nay, về cơ bản, bà con đã khắc phục được 80% thiệt hại do lũ gây ra. Đặc biệt, để ổn định đời sống nhân dân về lâu dài, huyện Phù Yên đã xây dựng phương án bố trí 4 điểm tái định cho hơn 260 hộ dân. Trong đó, xã Mường Bang được bố trí 3 điểm tái định cư nội bản cho hơn 100 hộ thuộc ba bản: bản Sọc, bản Chùng và bản Bang. Hiện nay, các điểm tái định cư đang được đơn vị thi công tiến hành làm mặt bằng nền nhà, hoàn thiện đến đâu sẽ cho các hộ dân vào ở đến đấy để đảm bảo tránh lũ. Mỗi hộ được bố trí hơn 400m2 đất để làm nhà ở, bếp, công trình vệ sinh, đất để tăng gia, chăn nuôi. Các điểm tái định cư được thi công, thiết kế ở những vị trí đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện, cũng được đầu tư đồng bộ. Ông Đinh Huy Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bang cho biết, trước đây các hộ dân ở rải rác, phân bổ không đồng đều, không thành một khu dân cư tập trung. Không những thế, xã Mường Bang đa số là đồi núi, người dân ở vào vị trí ta luy dương và ta luy âm nên khi có mưa lớn thường bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Sắp tới, khi đến các khu tái định cư rất thuận lợi, vì bà con đã yên tâm về vị trí nhà ở được sắp xếp ở nơi an toàn, ổn định.
Thi công mặt bằng một điểm tái định cư cho người dân vùng lũ ở xã Mường Bang. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Sau trận lũ lịch sử vào năm 2017, huyện Phù Yên phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh. Thiên tai ảnh hưởng trên diện rộng, ở hầu hết các xã trên địa bàn toàn huyện, cộng thêm địa hình chia cắt và dốc nên việc bố trí nơi ở an toàn cho người dân gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện phải xây dựng nhiều điểm tái định cư để di dân, chuyển những hộ đang ở những vị trí xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi an toàn. Những thiệt hại về hạ tầng trên địa bàn toàn huyện đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là đối với các xã vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tuyến đường từ trung tâm huyện Phù Yên đi xã Mường Bang bị ảnh hưởng sau lũ đang được tu sửa. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, thành lập nhiều đoàn công tác xuống trực tiếp cơ sở để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ sau 2 tháng, các công trình hạ tầng đã cơ bản khắc phục, đường giao thông đã thông suốt, điện đã được cấp trở lại toàn bộ. Các công trình như trường học, nhà văn hóa, hệ thống thông tin liên lạc đã đảm bảo nhu cầu của người dân.
Tuyến đường từ trung tâm huyện Phù Yên đi xã Mường Bang bị ảnh hưởng sau lũ đang được tu sửa. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Khi mùa mưa lũ 2018 đã bắt đầu, để chủ động phòng chống lũ bão, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phù Yên triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Đào Văn Nguyên cho biết, chính quyền địa phương đã kiện toàn lại ban chỉ huy từ cấp huyện đến các xã, thị trấn. Huyện đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền bà con quán triệt phương châm phòng là chính, làm sao giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, huyện rà soát lại toàn bộ các hộ hiện nay đang ở các vị trí xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai để bố trí đến nơi an toàn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có liên quan đến công trình đầu mối trên lòng suối, các tuyến đường giao thông lớn để tránh thiệt hại trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, duy trì trực 24/24 giờ trong thời gian diễn ra thiên tai, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời phục vụ cho việc chỉ đạo, ứng phó với mưa lũ; xây dựng phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để kịp thời ứng phó khi xảy ra mưa lũ.
Hữu Quyết