Đất canh tác của người dân gần hồ bùn đỏ số 2 Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN phát |
Theo phản ánh của các hộ dân thôn 1, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, tình trạng sụt lún, sạt trượt khu vực gần khoang chứa bùn đỏ số 2, Nhà máy Alumin Nhân Cơ diễn ra từ giữa năm 2017, đến nay có 3 hộ bị ảnh hưởng. Ông Trần Có, trú tại thôn 1, xã Nhân Đạo cho biết, gia đình có khoảng 3 ha đất trồng chanh dây, cà phê, hồ tiêu nằm sát cạnh với hồ bùn đỏ. Vườn rẫy được đầu tư khá bài bản nên cây trồng phát triển xanh tốt.
Từ giữa năm 2017, diện tích đất canh tác nằm sát với mương thoát lũ ngoại vi hồ bùn đỏ có hiện tượng đất bị nứt dài khoảng 100m, khe nứt rộng khoảng 10cm -50cm, sâu 70cm. Sang năm 2018, toàn bộ diện tích dọc với mương đã sụp sâu xuống. Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, tình trạng sụt lún, đứt gãy tại khu vực gần hồ bùn đỏ số 2 khá nghiêm trọng. Khoảng hơn một sào đất canh tác của các hộ dân bề mặt đã bị sụt sâu xuống khoảng 1,5 - 2m. Một số vị trí của mương thoát lũ ngoại vi và bờ đập hồ bùn đỏ số 2 giáp với đất canh tác của các hộ dân cũng bị sụt lún, đứt gãy và sạt lở. Tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đất canh tác của người dân gần hồ bùn đỏ số 2 Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN phát |
Các hộ dân cho rằng, hiện tượng sụt lún đất canh tác của họ có thể do việc thi công hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã làm ảnh hưởng đến địa chất khu vực này. Tình trạng sụt lún, sạt trượt làm cho người dân không yên tâm ổn định sản xuất. “Nhiều lúc muốn ra vườn chăm sóc cây trồng nhưng không dám vì sợ đất sạt vùi lấp”, ông Có lo lắng. Các hộ dân mong các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông và Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV sớm khắc phục triệt để hiện tượng trên hoặc giải tỏa đền bù cho họ đến nơi khác ổn định canh tác.
Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo: Sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã cùng với Đoàn công tác của huyện và Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV tiến hành kiểm tra thực tế và xác định đất canh tác của 3 hộ dân thôn 1 bị sụt lún. Xã đã kiến nghị với cấp trên yêu cầu Công ty sớm khắc phục tình trạng trên và hỗ trợ kịp thời để các hộ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Một số vị trí mương thoát ngước ngoại vi và bờ đập hồ bùn đỏ số 2 gần rẫy người dân bị sụt trượt. Ảnh: TTXVN phát |
Liên quan đến hiện tượng này, ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV cho biết, diện tích đất canh tác của các hộ dân bị sụt lún nằm ngoài phạm vi mương thoát nước ngoại vi của hồ bùn đỏ số 2. Đây là hồ dự phòng, chưa chứa bùn đỏ. Theo nhận định cảm quan ban đầu, nguyên nhân của tình trạng sụt lún trên là do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa liên tục trong nhiều tháng liền, làm đất ở khu vực này bị trương nở dẫn đến sụt trượt.
Công ty đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra và hỗ trợ người dân; đồng thời báo cáo với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Đắk Nông về tình trạng sụt lún đất canh tác của người dân khu vực gần hồ chứa bùn đỏ. Công ty đã được Tập đoàn đồng ý cho mời các đơn vị tư vấn đánh giá toàn bộ tình trạng sụt lún, sạt lở để có giải pháp khắc phục triệt để.
Năm 2017, Công ty Nhôm Đắk Nông đã hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng 78 triệu đồng, nhưng đó mới là giải pháp trước mắt. Để giải quyết triệt để tình trạng này, Công ty Nhôm Đắk Nông đã tính tới phương án đền bù, giải tỏa diện tích đất của các hộ dân bị sụt lún để tạo hành lang an toàn cho hồ bùn đỏ và đã được Tỉnh ủy Đắk Nông đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, phương án này chưa thể thực hiện do đang có một số vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Một số vị trí mương thoát ngước ngoại vi và bờ đập hồ bùn đỏ số 2 gần rẫy của người dân bị sụt trượt. Ảnh: TTXVN phát |
Anh Dũng - Hưng Thịnh