Phát biểu khai mạc lễ hội với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Cần Giờ biển gọi”, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Phát huy truyền thống lễ hội văn hóa dân gian đã có từ hàng trăm năm qua của ông cha, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, trang trọng tưởng nhớ đến những bậc cha ông đã có công khai hoang mở cõi, các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc; cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển được mùa. Đây cũng là dịp để người dân vùng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu đến du khách về lịch sử hình thành, nét văn hóa, điểm đến du lịch đặc sắc của địa phương như Khu di tích Rừng Sác, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…
Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ năm 2017 diễn ra từ ngày 03-05/10, nhằm ngày 14, 15 và 16/8 âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội, hàng nghìn lượt du khách và cư dân địa phương cùng tham gia các hoạt động như: Lễ thượng đại kỳ, lễ cúng tiền hiền - hậu hiền, bạn cũ lái xưa, lễ mừng công ngư dân Cần Giờ…
Nghi thức Nghinh Ông trên biển và đón đoàn Nghinh Ông về Lăng Ông Thủy tướng. Ảnh: Kiều Anh Dũng |
Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ năm 2017 diễn ra từ ngày 03-05/10, nhằm ngày 14, 15 và 16/8 âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội, hàng nghìn lượt du khách và cư dân địa phương cùng tham gia các hoạt động như: Lễ thượng đại kỳ, lễ cúng tiền hiền - hậu hiền, bạn cũ lái xưa, lễ mừng công ngư dân Cần Giờ…
Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động thưởng lãm, vui chơi như: Triển lãm hình ảnh giới thiệu về truyền thống đấu tranh cách mạng, thành tựu xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng huyện Cần Giờ; tổ chức biểu diễn Lâm Sư Rồng, bắn pháo hoa nghệ thuật; tổ chức khu ẩm thực vùng miền và xe thư viện lưu động kỹ thuật số phục vụ du khách và người dân Cần Giờ…
Toàn cảnh lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ năm 2017 được tổ chức với qui mô lễ hội cấp thành phố. Ảnh: Kiều Anh Dũng |
Trải qua hơn 100 năm giữ gìn và phát triển, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là ngày Tết của ngư dân địa phương, được tổ chức thường niên vào rằm tháng Tám âm lịch.
Đây là lễ hội xuất phát từ quan niệm truyền thống dân gian xưa, thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với cá Ông (cá voi), vị thần phù trợ ngư dân đi biển bình an, được mùa bội thu.
Biểu diễn lân sư rồng tại lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ năm 2017. Ảnh: Kiều Anh Dũng |
Năm 2013, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tục thờ cá Ông (cá Voi) phổ biến từ đèo Ngang trở vào đến Hà Tiên, Phú Quốc, là lễ hội lớn nhất của ngư dân.
Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu - một trong những vở tuồng hát bội nổi tiếng được trình diễn phục vụ công chúng tại lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ năm 2017. Ảnh: Kiều Anh Dũng |
Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ Nghinh Ông, lễ Nghinh Ông Thủy tướng... nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN