Sóc Trăng: Tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN
Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm trên 30% dân số). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó, cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thêm diện mạo mới cho vùng nông thôn ở địa phương.

Sóc Trăng: Tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ảnh 1Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Đã hơn 60 tuổi nhưng đều đặn hàng tháng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Ngọn (xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú) Châu Văn Tòng cùng các thành viên tổ chăm sóc cây xanh, do ông làm tổ trưởng đi cắt tỉa cây xanh, chăm sóc và trồng mới hoa kiểng… tại các tuyến đường nông thôn của ấp. Theo ông Tòng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, từ khi triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại địa phương, ông luôn đi đầu trong việc thực hiện tốt cuộc vận động như: hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, làm hàng rào, trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường… Từ đó, người dân đồng tình hưởng ứng tích cực.

Ông Nguyễn Văn Bỉnh (người dân ấp Hậu Thạnh, huyện Long Phú) cho biết, khi Nhà nước phát động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và được sự vận động, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương, ông đã đồng thuận hiến 1.300 m2 đất để xây dựng lộ giao thông nông thôn. Từ đó, nhiều người dân ở địa phương đã đồng tình hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc khi có công trình đi qua. Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả tích cực, người dân rất đồng tình và sẵn sàng đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở ở địa phương.

Sóc Trăng: Tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ảnh 2Người dân ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cùng nhau hiến đất xây dựng lộ giao thông nông thôn. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Theo ông Nguyễn Trung Đan, Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú), xã đã đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Năm 2023, địa phương đã vận động người dân tham gia hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động ước tính trên 1 tỷ đồng. Xã còn vận động xây dựng 10 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng trị giá 500 triệu đồng; xây dựng tuyến đường thắp sáng đường quê ở tất cả ấp.

Phát huy hiệu quả các phong trào

Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Xuyên, sau khi thực hiện tuyên truyền về các tiêu chí của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tầng lớp nhân dân đã có sự thay đổi về nhận thức, đồng thời nâng cao trách nhiệm và tích cực tham gia thực hiện. Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Xuyên cho biết, Mặt trận các cấp vận động nhân dân thực hiện các công trình, phần việc như: mô hình “Thắp sáng đường quê”; xây mới, sửa chữa 11 cầu bê tông; mở rộng và sửa 13 tuyến lộ bê tông... với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Năm 2023, Mặt trận các cấp huyện Mỹ Xuyên đã thực hiện tốt các mô hình từ thiện xã hội như: Hạt gạo nghĩa tình (xã Gia Hòa 2), Nhóm từ thiện thị trấn Mỹ Xuyên, Chung tay góp sức vì người nghèo...

Sóc Trăng: Tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ảnh 3Giao thông nông thôn ở xã nông thôn mới Hậu Thạnh (Long Phú, Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại địa phương đã tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Đến nay, tỉnh đã thành lập và duy trì 589 mô hình hiệu quả như: Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Hạt gạo ổn định cuộc sống; Trồng và chăm sóc cây chuông vàng; Tuyến đường "sáng - xanh - sạch - đẹp"; Bếp ăn từ thiện... Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian luôn được địa phương quan tâm, tổ chức thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương và dân tộc. Qua đó, phát huy được vai trò, thế mạnh của các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư.

Năm 2023, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân tham gia xây dựng và xã hội hóa trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng 20 cây cầu nông thôn; nhân dân hiến 26.250 m2 đất, đóng góp 7.178 ngày công lao động để nạo vét kênh thủy lợi; phát quang lộ giao thông, trồng cây xanh, chỉnh trang đô thị... Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 1.710 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng Dương Sà Kha cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 87,5%); trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và ba huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã hoàn thành các bước chuẩn bị công nhận thêm hai huyện (Châu Thành và Cù Lao Dung) hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ông Dương Sà Kha khẳng định, từ cuộc vận động đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 2%; trong đó, hộ nghèo Khmer giảm 3,01%.

Năm 2024, Mặt trận các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh triển khai chương trình phối hợp giữa Mặt trận với Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mặt trận các cấp tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo”, vận động Quỹ “Vì người nghèo”, chăm lo cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các dịp lễ, tết của đồng bào các dân tộc. Mặt trận tăng cường xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng, mô hình phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, phòng, chống tội phạm và mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đoạn đường kiểu mẫu.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, vận động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và sử dụng nguồn vận động xã hội để hỗ trợ hộ nghèo nhằm đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Tuấn Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm