Trong khi nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn đang trong giai đoạn từ trổ chín đến thu hoạch thì tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân đang “rục rịch” chuẩn bị xuống giống lúa vụ 3 (vụ Đông Xuân muộn). Trước thực trạng trên, ngành chức năng và chính quyền các địa phương của tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường tuyên truyền, để người dân hiểu và không xuống giống lúa vụ 3 để tránh thiệt hại trong những tháng mùa khô sắp tới được dự báo là khốc liệt, có thể gây ảnh hưởng nặng nề không kém đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020 vừa qua.
Theo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, trong đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020 đã làm chết và ảnh hưởng hơn 4 nghìn diện tích lúa của nông dân trên địa các địa phương vùng ven biển như Trần Đề, Long Phú… Hạn mặn cũng khiến cho diện tích vườn cây ăn trái của nông dân ở các địa phương như Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú... bị thiệt hại, chết cây hoặc giảm năng suất.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Long Phú, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của các cấp ủy chính quyền địa phương là tăng cường việc tuyên truyền đến người dân trên địa bàn, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cố tình “xé rào” để làm lúa vụ Đông Xuân muộn và nên thay bằng việc đưa màu xuống chân ruộng để vừa tránh thiệt hại, vừa đảm bảo thu nhập trong mùa khô. Thực tế là hiện nay đã bắt đầu có nông dân ở xã Trường Khánh đã xuống giống vụ 3, dù trước đó việc sản xuất lúa vụ 3 trên địa bàn huyện Long Phú đã chịu thiệt hại rất là lớn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên Đào Đắc Hùng cho biết, trên địa bàn huyện có trên 8 nghìn ha lúa vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn trổ chín đến thu hoạch. Năm nay, giá lúa cao nên nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tính sản xuất lúa vụ 3. Trước tình hình trên, chính quyền huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền đến người dân không được sản xuất vụ 3 nhằm tránh bị thiệt hại, thay vào đó là tích cực đưa cây màu xuống chân ruộng như trồng dưa hấu, bầu, bí…để hài hòa lợi ích kinh tế và tránh được thiệt hại.
Đối với những hộ cố tình làm lúa vụ 3 thì quan điểm của huyện là tăng cường tuyên truyền, để người dân hiểu và nhận thức được. Nếu sản xuất không hiệu quả thì người dân sẽ chịu thiệt hại. Thực tế vùng đất của huyện Mỹ Xuyên không thích hợp với việc sản xuất lúa vụ 3 cả về nguồn nước, thời tiết, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Dù nhiều hộ bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhưng từ thực tế ảnh hưởng sâu rộng của hai đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt 2015-2016 và 2019-2020 vừa qua, nhận thức của đa phần người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là các địa phương ở vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc, mùa khô phơi đất để chờ sản xuất vụ sau, chứ không “xé rào” làm lúa vụ 3.
Ông Lê Văn Long ở xã Long Đức, huyện Long Phú cho biết, giá lúa của vụ Đông Xuân năm nay vừa trúng mùa, vừa có giá, nông dân thu lãi lớn trong vụ sản xuất. Tuy nhiên, cả gia đình ông và các hộ dân xung quanh đều chắc chắn sẽ không sản xuất lúa vụ 3 để tránh những thiệt hại đã được dự báo trước.
Ông Lê Văn Long chia sẻ: “Dù hiện giờ thấy nước trong kênh nội đồng nhiều vậy nhưng mùa khô tới sẽ cạn nhanh lắm. Không làm lúa vụ 3 được đâu. Nước mặn mà gay gắt như năm trước mà đưa lúa xuống thì mất sạch luôn. Nếu mình rảnh thì trồng thêm bắp hay hoa màu gì thêm thôi. Chứ làm lúa vụ 3 chắc chắn không rồi”.
Theo bản tin dự báo đột xuất về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước mùa khô năm 2020-2021 của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long bao gồm ven biển các tỉnh ven biển Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang dự báo 2021 là năm mặn hạn cao.
Dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020-2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, tháng 12, tháng 1 và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng.
Với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến hiện nay, dự báo nguồn nước mùa kiệt 2020-2021 về đồng bằng thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, chỉ tương đương với các năm kiệt gần đây 2015-2016 hoặc 2019-2020. Vì vậy, các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ như bố trí sản xuất hợp lý, hạn chế sản xuất ở vùng có nguy cơ cao đã bị ảnh hưởng ở năm 2020, chủ động các biện pháp trữ nước phục vụ sản xuất, bảo vệ các vườn cây và cấp nước sinh hoạt ngay từ bây giờ khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh thì độ mặn tại tỉnh có khả năng xuất hiện trong tháng 1. Do vậy, người dân ở vùng Long Phú - Tiếp Nhựt cũng như các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn mặn nên tận dụng các cơ sở, thiết bị trữ nước sẵn có trong gia đình như ao, hồ, kênh, rạch để tích nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong thời gian sắp tới. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương tuân thủ tốt các giải pháp ứng phó hạn, mặn theo tinh thần Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại một khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cũng chia sẻ thêm, hiện nay thì người dân thấy các kênh trong nội đồng vẫn còn nhiều nước ngọt nên nghĩ có thể sản xuất lúa vụ 3. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt hiện nay đang có chủ yếu để phục vụ cho các trà lúa vụ Đông Xuân. Nếu người dân vẫn “liều” làm vụ 3 (vụ Đông Xuân muộn), nhất là các địa phương vùng ven biển, khả năng đáp ứng nước tại các kênh sẽ không đảm bảo khi mùa khô 2021 tới được dự báo sẽ rất khốc liệt. Khuyến cáo người dân tốt nhất không sản xuất lúa vụ 3 để tránh thiệt hại.
Chanh Đa