Sóc Trăng gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động

Sóc Trăng phấn đấu chất lượng đào tạo của một số ngành, nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực. Nguồn: laodongxahoi.net
Sóc Trăng phấn đấu chất lượng đào tạo của một số ngành, nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực. Nguồn: laodongxahoi.net

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 19 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (2 trường cao đẳng, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp); 1 phân hiệu trường trung cấp, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư nhân và 1 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với quy mô tuyển sinh trên 20.000 người/năm.

Các ngành, nghề đào tạo chủ yếu là điện công nghiệp; cơ khí; điện tử; công nghệ ô tô; công nghệ thông tin; chế biến thủy sản; chế biến lương thực, thực phẩm; chăn nuôi; trồng trọt; bảo vệ thực vật; kế toán; quản trị kinh doanh; điều dưỡng; hộ sinh; du lịch; nhạc, họa… Chương trình, giáo trình đào tạo các ngành, nghề này được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp biên soạn theo hướng đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của người sử dụng lao động, của người lao động có nhu cầu học nghề.

Sóc Trăng gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ảnh 1Sóc Trăng phấn đấu chất lượng đào tạo của một số ngành, nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực. Nguồn: laodongxahoi.net

Theo ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội Sóc Trăng: Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 60,38% (tăng 9,45% so với 2015); trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55,33% (tăng 9,4%). Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề trong thời gian qua được gắn với giải quyết việc làm.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có bộ phận, đơn vị hợp tác với doanh nghiệp. Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng hợp tác với doanh nghiệp thực hiện một số hoạt động như: gửi học sinh, sinh viên, người học nghề thực tập, thực tế tại doanh nghiệp; mời cán bộ kỹ thuật, kỹ sư… của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, tham gia xây dựng chương trình đào tạo; mời doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng tại các buổi đối thoại, lễ trao bằng tốt nghiệp. Hình thức đào tạo nghề theo hướng đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương để các học viên sau khi đào tạo, có tay nghề là có việc làm luôn…

Các ngành, nghề liên kết, hợp tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được đánh giá đạt hiệu quả rất thiết thực.. Cụ thể, người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm, được các công ty, doanh nghiệp tuyển vào làm việc, có thu nhập ổn định, nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần, kinh tế gia đình được nâng lên sau khi học nghề...

Theo đánh giá của các doanh nghiệp liên kết, các ngành, nghề đào tạo đạt hiệu quả cao trong thời gian gần đây là công nghệ ôtô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm... với trên 95% học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp, mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/tháng. 

Ngoài ra, công tác giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, nhất là lao động nông thôn được gắn với việc tạo sinh kế sau đào tạo như: đào tạo gắn với mở cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; đào tạo gắn với việc làm hiện có của hộ gia đình; đào tạo gắn với việc làm tại công ty, doanh nghiệp; đào tạo gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất, dịch vụ; đào tạo gắn với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đào tạo phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương...

Qua đó, giúp người lao động có nghề nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá, đời sống được cải thiện, góp phần thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sóc Trăng hiện còn dưới 2,5%.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm