Tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực nhằm đưa chuyển đổi số vào quản lý, điều hành hoạt động của các cấp, ngành và phục vụ thực tế cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, những năm gần đây, Sóc Trăng đã quan tâm về đầu tư phát triển hạ tầng số, trong đó có hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Tỉnh triển khai lắp đặt bổ sung hệ thống máy chủ, hệ thống mạng, phần mềm chuyên dụng từ các dự án chuyển đổi số thuộc nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm đảm bảo khả năng hoạt động thường xuyên, liên tục và an toàn an ninh thông tin, dữ liệu.
Tỉnh đã lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống Camera giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn. Hệ thống này góp phần phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Công an tỉnh trong các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường chính, khu vực trọng điểm tại thành phố Sóc Trăng, góp phần ngăn ngừa và kéo giảm tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã dành kinh phí chi thường xuyên cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để mua sắm trang thiết bị, bổ sung nâng cấp đường truyền, thực hiện các dự án phục vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực.
Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp, nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền cho công chức, người dân về ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức bộ phận một cửa các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện các tính năng mới trên hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và số hóa hồ sơ thủ tục hành chính. Việc đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số trên nền tảng MOOCs theo chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông… được quan tâm.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cập nhật 751.497 hồ sơ vào hệ thống an sinh xã hội; cập nhật số hóa dữ liệu 57.400 hồ sơ người có công trên địa bàn lên hệ thống an sinh xã hội của tỉnh. Sở Tư Pháp, ngay từ giữa tháng 7/2024, đã hoàn tất hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh kết nối với Phần mềm dịch vụ công liên thông, Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP trên hệ thống vận hành chính thức.
Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải kết nối liên thông thủ tục “Đăng ký kinh doanh”, “Đăng ký hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã”, nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực “Cấp đổi Giấy phép lái xe” về hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội liên thông cơ sở dữ liệu “Người có công”; đang phối hợp với Sở Tư pháp và Công an tỉnh rà soát, hoàn thiện hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Phần mềm cấp lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng cho việc triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID…
Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng sàn thương mại điện tử với trên 100 doanh nghiệp/270 sản phẩm tham gia. Sàn hợp tác liên kết với 11 sàn thương mại điện tử của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh quảng bá rộng rãi các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của Sóc Trăng cũng như của các địa phương khác đến người tiêu dùng trong cả nước.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.871 doanh nghiệp, trong đó có 3.808 doanh nghiệp nhỏ và vừa; khoảng 2.500 doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử. Tỉnh khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách lắp camera giám sát hành trình cho xe khách, bán vé trước, bán vé điện tử, bán vé qua điện thoại nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt chi trả cho người có công, đến nay toàn tỉnh đã có 11/11 đơn vị đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt qua tài khoản cho 6.654/53.810 đối tượng/khách hàng, chiếm 12,37%.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, trình ban hành danh mục thành phần hồ sơ thủ tục hành chính số hóa. Các đơn vị đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định danh mục thành phần hồ sơ số hóa.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông, dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động chuyển đổi số của Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn. Việc đầu tư trang thiết bị, hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xử lý công việc, nhất là trang thiết bị phục vụ cho bộ phận một cửa hiện nay. Tình hình an toàn, an ninh mạng tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện chuyển đổi số còn yếu, thiếu, nhất là các địa phương không có nhân sự phụ trách công nghệ thông tin, hầu hết làm nhiệm vụ kiêm nhiệm...
Ngày Chuyển đối số Quốc gia năm nay của tỉnh Sóc Trăng lấy chủ để là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, tập huấn, tuyên truyền đến các cấp ngành, mọi người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Sóc Trăng xác định chuyển đổi số là việc làm mới, cần sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trung Hiếu