Đồng bào dân tộc Dao, xã Thanh Phát, huyện Sơn Dương chỉnh sửa quần áo truyền thống để mặc đón tết sớm. Ảnh Quang Đán - TTXVN |
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc Dao. Bên cạnh đó là các hoạt động: Trưng bày, triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”; giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao; hoạt động thể thao truyền thống dân tộc Dao; hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao”… và các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch.
Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển.
Dân tộc Dao nằm trong nhóm các dân tộc theo ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao, người Dao có chữ viết riêng là nôm Dao. Người Dao ở nước ta hiện nay ước tính có hơn 750.000 người. Người Dao thường sống ở vùng lưng chừng núi hầu hết các tỉnh miền núi miền Bắc Tập trung cư trú tại các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hòa Bình. Về hoạt động sản xuất, hình thức canh tác phổ biến của người Dao là làm nương, thổ canh trên hốc đá, ruộng. Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao. Họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Hầu hết các xóm đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức...
Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần, y phục thêu rất sặc sỡ. Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Người Dao có vốn văn nghệ dân gian phong phú, nhiều truyện cổ, bài hát, thơ ca. Đặc biệt truyện "Quả bầu với nạn hồng thuỷ", "Sự tích Bàn vương" rất phổ biến trong cộng đồng người Dao...
Tuyên Quang là chủ nhà tổ chức Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất. Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang đang chuẩn bị lực lượng gồm hơn 200 nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Dao tiêu biểu tham gia Ngày hội. Một số tiết mục đặc sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang đã được chọn tham dự như: “Tết nhảy” của người Dao quần chẹt xã Hợp Hòa (Sơn Dương); hòa tấu nhạc cụ trống của người Dao đỏ xã Sơn Phú (Na Hang); múa màng của người Dao tiền xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa); nghi lễ mừng thọ của người Dao đỏ xã Tân Thành (Hàm Yên)…
Thanh Giang
TTXVN