Sâu keo mùa thu ăn vào bắp ngô. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
“Theo quy định để hỗ trợ thì phải công bố dịch. Cấp công bố dịch là cấp tỉnh. Sau khi phát hiện (ngày 12/8), chúng tôi đã có thông báo khẩn đến tất cả các xã, phường. Cùng đó Trung tâm cử cán bộ xuống giúp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân cách phòng, trừ sâu keo; cách chăm sóc, bón phân sau khi diệt sâu. Tuy nhiên việc hỗ trợ thuốc, phân cho dân vẫn chưa có vì chưa công bố dịch”, ông Nguyễn Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết.
Theo ông Nguyễn Nghiêm, điều kiện để công bố dịch hại thực vật, với đối tượng sâu keo mùa thu (sinh vật gây hại thực vật không thuộc đối tượng kiểm dịch, không phải sinh vật gây hại lạ) phải gây hại gia tăng đột biến cả về số lượng, diện tích, mức độ gây hại so với trung bình của 2 năm trước liền kề của thời điểm công bố dịch và dự báo của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh trở lên; có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, môi trường, đời sống nhân dân, vượt quá khả năng kiểm soát của chủ thực vật… Tuy nhiên, đây là lần đầu thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) có sâu keo hại trên cây ngô.
Hiện tại 120 ha cây ngô đang thời kỳ xoáy nõn, trổ cờ, sâu keo mùa thu đang ở tuổi lớn nên mức gây hại ngày một nghiêm trọng. Trong khi đó, số diện tích ngô trên của hơn 200 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn nên việc phòng trừ và diệt sâu keo gặp khó. Việc dân tự phun thuốc diệt sâu không hiệu quả, phun không đều, nhà có, nhà không nên khiến sâu lây lan lại... Ông Nguyễn Nghiêm dự báo khả năng 60% diện tích không cho thu hoạch. Theo ông Nguyễn Xuân Ninh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum do người dân trồng không bón phân kết hợp sâu phá nên gây hại mạnh. Giải pháp trước mắt là thành phố tiếp cận, hướng dẫn dân về mặt kỹ thuật; tổ chức đưa lực lượng chuyên ngành phối hợp cùng chính quyền xã tuyên tuyền, vận động người dân phun thuốc phòng trừ; tổ chức theo dõi sát tình hình để kịp thời giúp dân…
Cao Nguyên