Xây dựng nông thôn mới tại Hậu Giang đang góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Người dân nơi đây đang phấn khởi, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc trong sắc xuân phát triển, đổi mới của làng xã, quê hương nông thôn mới.
Đến đầu năm 2021, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã có 4/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân phấn khởi hơn khi đời sống được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Sự đổi thay ấy khiến cho không khí xuân trở nên rộn rã, người người, nhà nhà nô nức sắm sửa, trang trí nhà cửa để đón Tết.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi về xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy và cảm nhận rõ không khí đón tết ở nơi đây rộn ràng, vui tươi. Đó là người dân vui hơn bởi các tuyến đường đi lại ngày càng thuận lợi. Nhiều người dân đang sửa sang nhà cửa, chăm sóc hàng rào hoa kiểng trước nhà chuẩn bị đón Tết.
Từ khi xây dựng xã nông thôn mới, người dân được thụ hưởng nhiều hơn, từ việc đầu tư trạm bơm điện, đường giao thông nông thôn đến tập huấn khoa học kỹ thuật… Cùng với đó, thu nhập của các gia đình ngày càng nâng lên nhờ phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Đang quét dọn, chăm sóc mấy chậu hoa vạn thọ, hàng bông trang trước nhà, bà Tô Thị Lệ, ở ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy cho biết, năm nay nhà nào cũng phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, xứ sở. Lúa thì bán được giá cao nên kinh tế gia đình được nâng lên rõ rệt. Nhất là từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, người này động viên người kia nên ai cũng nâng cao tinh thần sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời nhắc nhau cùng trang hoàng nhà cửa, trồng cây cảnh, hoa lá thêm cho đẹp.
Trước căn nhà đại đoàn kết vừa được Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ruộng và bà Trần Thị Mười đang dọn dẹp, trồng thêm cây ăn trái, hoa cảnh để tạo vẻ mỹ quan cho ngôi nhà và thêm thu nhập và chuẩn bị đón Tết. Với ông bà thì năm nay được đón Tết trong ngôi nhà mới nên gia đình rất phấn khởi. Bà Mười cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong xã đã tích cực tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích xây dựng nông thôn mới. Khi lòng dân đồng thuận thì mọi việc triển khai đều thuận lợi.
Tại ấp 5, xã nông thôn mới Vị Thủy, sự đổi thay nơi đây càng rõ nét. Dọc theo ấp là những con đường đường nhựa thẳng tắp. Và hai bên đường là những vườn trầu xanh mướt, xen lẫn rau xanh, còn phía sau là ruộng lúa mênh mông. Người dân vừa hái trầu bán cho thương lái vừa chuẩn bị mọi thứ để đón cái Tết ấm cúng.
Bà Nguyễn Thị Phấn, miệng cười hồ hởi, cho biết năm nay trầu có giá cao, lúa lại trúng nên gia đình rất phấn khởi. Dù 2 ông bà tuổi đã cao nhưng cảnh sắc nhà được chăm chút chu đáo, đẹp mắt để vừa đón con cháu tụ họp về vừa góp phần xây dựng cảnh quan xã nông thôn mới. Nông thôn mới rồi giờ cùng với phát triển kinh tế thì bà trồng bông, trồng hoa cho đẹp, đón Tết rộn rã.
Trên những tuyến đường quê đầy sắc hoa. Trong hơi ấm của mùa xuân, huyện Vị Thủy như bừng lên sức sống mới với những công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, khang trang... Thành tựu đó có được là do sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà trong xây dựng huyện nông thôn mới.
Còn tại làng nông thôn mới Tân Qưới Lộ - Saemual, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, trong những ngày này, trên gương mặt của những người nông dân, nay đã là xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Tân Qưới Lộ rạng ngời niềm vui và đầy ắp hy vọng về năm mới đủ đầy, sung túc, hạnh phúc. Năm vừa qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình của Tổ chức Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc (SGF), hợp tác xã đã xuống giống được 2 vụ dưa lưới trong 300 m2 nhà lưới do Quỹ SGF đầu tư. Vụ thứ nhất lãi trên 30 triệu đồng, vụ thứ hai chuẩn bị thu hoạch ước đạt trên 7 tấn, tất cả đã được công ty bao tiêu với giá 25.000 đồng/kg, dự tính sẽ thu được trên 170 triệu đồng.
Cùng với sự thành công của Hợp tác xã Tân Qưới Lộ, sự hỗ trợ SGF đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ có sự thay đổi rõ nét. Đến nay 100% đường giao thông trong làng được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn theo quy định; làng có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo các hoạt động sinh hoạt văn hóa - thể thao cho người dân. Quỹ SGF đã đầu tư và nâng cấp hệ thống điện năng lượng mặt trời "thắp sáng đường quê". Bên cạnh đó, việc chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn đã thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân. Nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tỉnh Hậu Giang đang là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân tiêu chí đã đạt của các xã. Đến nay, toàn tỉnh có 32/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62,75%). Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 3 xã. Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là 3 đơn vị. Số tiêu chí bình quân/xã là 17,2 tiêu chí/xã.
Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang chi biết, hằng năm, số tiêu chí bình quân/xã đều tăng; số xã, huyện/thành phố đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Người dân rất hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, từ nay đến năm 2025, Hậu Giang phấn đấu tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã và công nhận thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 25.000 tỷ đồng.
Tỉnh phấn đấu công nhận thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh lên 17 xã (đạt 41,46%) và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; các xã còn lại đều đạt từ 16 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 1 - 2%/năm.
Từ những chủ trương, chính sách, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ chăm lo cho người dân trong phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống văn hóa, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã mang lại cho người dân nông thôn yên tâm sản xuất. Cùng với những chính sách chăm lo đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người/năm các xã nông thôn mới tỉnh Hậu Giang đến cuối năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015 là 28,17 triệu đồng/người.
Hồng Dân