Bản làng trù phú ở Sa Dung. Ảnh Xuân Tư – TTXVN |
Quá khứ hào hùng Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu (cũ) tập I (giai đoạn 1945-1975) ghi rõ: Do địa bàn cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng của Cách mạng tháng Tám tác động đến đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu lúc bấy giờ rất ít ỏi. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, với mục đích mở mặt trận trong lòng định, ngày 29/2/1948 Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam ra mệnh lệnh thành lập Ban xung phong Tây Bắc, trong đó các đội võ trang tuyên truyền có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển chiến tranh du kích trên khu vực này. Tháng 7/1949, Đội võ trang tuyên truyền mang tên Đội xung phong Quyết Tiến đã chọn xã Sa Dung của huyện Điện Biên cũ (nay là huyện Điện Biên Đông) làm địa bàn đứng chân đầu tiên của Đội; đồng thời thành lập Ban cán bộ huyện Điện Biên và sáu Ủy ban kháng chiến hành chính liên xã với những tên mới mang ý nghĩa cách mạng, trong đó xã Sa Dung được đặt tên là xã Quang Trung. Đội du kích xã là con em đồng bào dân tộc Mông, Thái gồm 12 người được thành lập với trang bị vũ khí toàn súng kíp. Nhờ đó, hành lang từ miền xuôi lên từ Tuần Giáo sang tới Điện Biên qua Bắc Lào được khai thông.
Giảng dạy bằng máy chiếu tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sa Dung. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Du kích xã Sa Dung phối hợp với Bộ đội Quyết Tiến bẻ gẫy ba cuộc hành quân càn quét của giặc Pháp. Riêng lực lượng du kích đã độc lập chiến đấu diệt năm tên địch, là đội du kích nổi bật nhất trong các đội du kích được thành lập ở Điện Biên. Tháng 6/1950, Tiểu đội du kích độc lập chiến đấu ba trận tiêu diệt 13 tên địch, bắt sống một quan Ba Pháp. Tháng 7/1950, tại căn cứ hang Mường Tỉnh, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Điện Biên (cũ) được thành lập. Tháng 9/1950, Ban cán sự tỉnh Lai Châu chuyển cơ quan về đóng tại hang Mường Tỉnh và được đồng bào bảo vệ an toàn tuyệt đối. Tháng 11/1950 cũng tại hang này, Trung đội bộ đội địa phương được thành lập với 50 người. Đến tháng 2/1952 tại căn cứ hang Mường Tỉnh, Huyện đội Điện Biên được thành lập với nòng cốt là đội du kích xã Sa Dung, đã sát cách chiến đấu kiên cường với bộ đội chủ lực, góp phần tạo nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Người dân Sa Dung phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Vẫn cách trở và khó khăn Rời thủ phủ của tỉnh Điện Biên rực rỡ cờ hoa mừng 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 này, chúng tôi tìm lên Sa Dung. Dù chỉ các thành phố Điện Biên Phủ 100 km, thế nhưng do tuyến đường đi qua đồi núi hiểm trở, nhất là đoạn từ huyện lỵ lên Sa Dung khoảng 40 km hầu hết là đường cấp phối, không hề có biển báo nên phải mất gần năm tiếng đồng hồ xe của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên mới “mò mẫm” đưa chúng tôi đến được trung tâm xã Sa Dung đặt tại bản Nà Sản A, trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Anh Nông Tiến Dũng, phóng viên báo Điện Biên Phủ, cho biết: “Chẳng khó gì không nhận ra những nét mới của vùng đất cách mạng Sa Dung. Đó là đường từ trung tâm huyện lên trung tâm xã ngày xưa chỉ ngựa đi nay ô tô cũng lên được. Trụ sở xã, trường học, trạm y tế đã kiên cố hóa. Nhiều mái nhà của đồng bào dân tộc Mông, Thái trước chỉ lợp bằng cỏ gianh, giờ được phủ lên bằng tôn đủ sắc màu. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt tới 90%... Đây là kết quả của Chương trình 135 phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình 30a hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo mà xã được thụ hưởng”.
Đường bê tông và điện lưới quốc gia đến từng bản. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Đón chúng tôi như người thân đi xa về, Bí thư xã Sa Dung Lầu Chứ Sính và Chủ tịch UBND xã Chá Chồng Chu thẳng thắn cho biết: Xã có diện tích tự nhiên trên 9.000 ha, dân số có 6.369 người, chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống ở 17 bản và hai bản là dân tộc Thái. Tới thời điểm này xã còn 57% hộ nghèo và cận nghèo. Nguyên nhân cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng trên vùng cao này trước hết là do địa bàn xã quá xa xôi cách trở, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. “Mùa Đông cây rừng cũng chết thì trâu, bò, dê, lợn khó sống nổi!”- Bí thư xã Lầu Chứ Sính giãi bày và cho rằng: Phát triển kinh tế-xã hội của xã gặp khó khăn lớn nhất là do thiếu nước trầm trọng trong cả mùa khô và mùa mưa. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ ở các bản mà ngay cả khu vực trung tâm, trụ sở của UBND xã, trường mầm non, Trạm Y tế của xã Sa Dung cũng thiếu nước. Năm 2007 khu vực trung tâm xã được đầu tư Trung học cơ sở bán trú Sa Dung. Thời gian đầu khi mới đưa vào sử dụng, nguồn nước khá ổn định. Những năm gần đây nguồn nước dần cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu nước do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp dần, độ che phủ của rừng chỉ còn khoảng 20% nên nước mưa không kịp ngấm vào đất mà chảy tuột đi. Ðể có nước sinh hoạt, nhiều bản cũng như các trường học trên địa bàn phải bỏ tiền mua máy bơm để bơm nước từ dưới khe suối lên. Thậm chí phải mua từ hai máy bơm trở lên để bơm nối tiếp, vì nguồn nước từ dưới chân núi lên đến các bản rất xa, một máy bơm không đủ công suất để đưa nước lên được. Cả xã chỉ có một nguồn nước duy nhất nên không thể đảm bảo cung cấp cho tất cả các bản, trong khi đó địa hình xã Sa Dung là nơi cao nhất so với toàn huyện Điện Biên Đông. Chủ tịch UBND xã Chá Chồng Chu cho biết thêm: Ngày 29/12/2016, UBND tỉnh Điện Biên đã có Quyết định 1615 về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo quy hoạch của Dự án, xã Sa Dung sẽ dùng nguồn nước từ suối Lọng Chuông và suối Xam Măn. Năm 2018, huyện cấp kinh phí cho xã hai tỷ đồng để làm công trình nước tại trung tâm xã. Song qua khảo sát nguồn nước lấy từ suối Lọng Chuông và suối Xam Măn đều cách trung tâm xã tới 4-5 km, nên không đủ kinh phí để đưa nước lên. Vì vậy, cho đến nay xã vẫn “khát nước”, người dân các bản vẫn phải cõng nước từ ao, suối về sử dụng mà không cần biết nước sạch hay bẩn. Nguồn nước sinh hoạt cho người đã khó, nên việc chăn nuôi trâu bò đàn, hay mở rộng diện tích lúa nước là “bất khả thi”. Do đó, các hộ đồng bào nơi đây vẫn chăn nuôi theo phương thức ‘tự cấp tự túc”, tổng đàn trâu, bò, lợn, dê cả xã có khoảng 7.000 con. Trong số 1.291 ha sản xuất nông nghiệp, hầu hết là diện tích nương rẫy trồng ngô là chủ yếu.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sa Dung được đầu tư khang trang. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Một khó khăn nữa là hiện trong số 19 bản của xã vẫn còn tám bản không có điện, thậm chí có bản đường điện đi qua mái nhà nhưng thiếu kinh phí đưa điện đến hộ gia đình. Ngay cả đồng bào bản Trống là nơi có Di tích Quốc gia hang Mường Tỉnh thì hiện tại vẫn khắc khoải chờ ánh sáng điện bừng sáng ngôi nhà của họ. Từ khi hang Mường Tỉnh được công nhận là Di tích Quốc gia chỉ duy nhất 10 km đường từ trung tâm xã nối với bản được mở rộng, xe máy đi được trong mùa khô hàng năm. Còn điểm Di tích đã có biển chỉ dẫn và khoảng 400 m đường lát đá rộng khoảng 1 m, nhưng muốn vào trong hang du khách phải len lỏi 150 m nữa qua các bụi cây và đá tai mèo mới tới nơi. Anh Sùng A Thái, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sa Dung - người đưa tôi bằng xe máy đến Di tích này, cho biết: Lâu lắm rồi không thấy ai đến tham quan, chắc vì đường đi khó khăn trắc trở, Di tích lại chưa được phục dựng và có người thuyết minh nên khó ai hiểu được thấu đáo hang Mường Tỉnh là nơi chứng kiến sự trưởng thành của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện, là chứng tích lịch sử về sự đoàn kết, gắn bó, một lòng theo Đảng của đồng bào các dân tộc ở Điện Biên Đông trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước kia cũng như ngày nay.
Văn Hào