Rừng thông ở Lâm Đồng tiếp tục bị bức hại

Thủ đoạn của các đối tượng bức hại rừng thông là khoan lỗ vào thân cây rồi đổ hóa chất cho cây chết dần. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN
Thủ đoạn của các đối tượng bức hại rừng thông là khoan lỗ vào thân cây rồi đổ hóa chất cho cây chết dần. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Chỉ trong chưa đầy một tháng, liên tục xảy ra các vụ đầu độc, cưa hạ rừng thông trái phép trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gây nhiều thiệt hại về lâm sản và diện tích rừng. Tuy nhiên, đa phần vụ việc chưa tìm được thủ phạm, hoặc xác định được thủ phạm nhưng chưa có hình phạt thích đáng mang tính răn đe hòng ngăn chặn các hành vi tương tự có thể xảy ra.

Rừng thông ở Lâm Đồng tiếp tục bị bức hại ảnh 1Vạt rừng thông tự nhiên hàng chục năm tuổi tại tiểu khu 613 (địa bàn xã Lộc Phú) lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’Ri quản lý bị đầu độc bằng hóa chất. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Rừng thông tự nhiên bị đầu độc

Đến chiều 19/7, lực lượng Kiểm lâm và cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm mới hoàn thành công tác kiểm đếm, khám nghiệm và lấy mẫu thông rừng bị đầu độc tại vị trí khoảnh 3, khoảnh 4 tiểu khu 613 (địa bàn xã Lộc Phú) lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’Ri quản lý. Trước đó, một vụ bức hại thông tương tự xảy ra tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi) thuộc lâm phần do Công ty Cổ phần Hà Phong quản lý. Sau một thời gian tạm lắng, đây là hai vụ bức hại rừng xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện này chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng qua.

Khác hẳn vụ việc trước đây khi cây thông chỉ bị đầu độc lẻ tẻ, lần này, các đối tượng hạ độc nguyên cả vạt thông tự nhiên đang sinh trưởng tươi tốt trên diện tích hàng ngàn mét vuông. Vẫn thủ đoạn cũ, các đối tượng dùng đục hoặc máy khoan, khoan lỗ vào gốc cây rồi đổ hóa chất. Đặc biệt, mỗi gốc cây thường bị đục 2 - 3 lỗ để cây chết nhanh hơn. Với chiêu thức này, cơ quan chức năng phát hiện sự việc cũng khó cứu chữa. “ Chúng tôi đã cắt bỏ vị trí thân cây bị đục lỗ, đổ dầu nhớt để cứu cây nhưng khả năng sống khá thấp” - một cán bộ Kiểm lâm cho biết.

Rừng thông ở Lâm Đồng tiếp tục bị bức hại ảnh 2Những cây thông bị đầu độc có tuổi đời từ 30 – 40 năm, đường kính thân cây từ 50 – 70cm. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Theo thống kê sơ bộ, tại các vị trí nêu trên, hơn 250 cây thông tự nhiên trên tổng diện tích khoảng 10.000 mét vuông đất rừng bị tác động. Hầu hết các vị trí rừng thông bị bức hại đều giáp ranh với vườn cà phê của người dân. Theo nhận định, khả năng rất cao là các đối tượng đầu độc cây rừng nhằm chiếm đất sản xuất.

Tương tự, với thủ đoạn cưa hạ thông trái phép nhằm chiếm đất sản xuất, ngày 13/7, cơ quan chức năng huyện Lâm Hà phát hiện vụ việc 143 cây thông gần 30 năm tuổi bị cưa hạ sát gốc. Thông bị cưa hạ thuộc lô 14, 16 Khoảnh 4, Tiểu khu 264 (địa phận thôn 9, xã Mê Linh) lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Khu vực cây thông bị cưa hạ có diện tích gần 1.400 mét vuông, nằm trên đỉnh đồi, lọt thỏm sau những cây thông phía ngoài và vườn cà phê xung quanh, rất khó phát hiện nếu nhìn từ phía dưới đường đi.

Rừng thông ở Lâm Đồng tiếp tục bị bức hại ảnh 3Cơ quan chức năng lấy mẫu vật một cây thông bị đầu độc để kiểm nghiệm hóa chất. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Cần kiên quyết xử lý

Các vụ bức tử rừng đã gây thiệt hại về lâm sản, tác động đến diện tích đất rừng lớn. Tuy nhiên, việc truy tìm thủ phạm, xử lý hành vi vi phạm pháp luật lại khá nan giải. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, vụ việc đầu độc thông tại tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi) hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm. Nhận định đây là vụ việc phức tạp và nghiêm trọng, đơn vị đã đề xuất địa phương chỉ đạo lực lượng Công an vào cuộc điều tra, truy tìm đối tượng thực hiện hành vi đầu độc cây rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm cùng các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá rừng tại tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm). Đồng thời, Sở phối hợp với đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tìm giải pháp cứu chữa số cây thông bị đầu độc; xác định trách nhiệm của chủ rừng trong việc chậm phát hiện, ngăn chặn vụ việc; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của Kiểm lâm phụ trách địa bàn và cán bộ có liên quan để có biện pháp, hình thức xử lý phù hợp.

Rừng thông ở Lâm Đồng tiếp tục bị bức hại ảnh 4Thủ đoạn của các đối tượng bức hại rừng thông là khoan lỗ vào thân cây rồi đổ hóa chất cho cây chết dần. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Vụ cưa hạ thông tại tiểu khu 264 (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà), lực lượng Công an huyện đã vào cuộc điều tra. Đến chiều 15/7, Công an xác định nhanh được hai đối tượng tham gia thực hiện vụ phá rừng này, gồm: Trương Văn Thương (36 tuổi, trú tổ dân phố Đông Anh 3, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) và Nguyễn Văn Tiến (30 tuổi, trú thôn 9, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà). Cơ quan Công an triệu tập đến làm việc, Thương và Tiến thừa nhận thực hiện vụ phá rừng với mục đích chiếm đất sản xuất.

Liên quan đến vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm, không để tạo thành tiền lệ xấu trên địa bàn. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo chủ rừng tổ chức giải tỏa, thu hồi ngay diện tích rừng bị phá, khẩn trương lập hồ sơ trồng lại rừng, hoàn thành trước ngày 30/7/2023; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan theo quy định.

Nguyễn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm