Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tính hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (15/10) với chủ đề “Giữ đôi bàn tay sạch vì thế hệ tương lai”, nhằm tiếp tục nâng cao ý thức của cộng đồng về thói quen rửa tay với xà phòng.
Tham dự mít tinh có các đại biểu Trung ương đến từ các Bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế và 2.000 học sinh, thầy cô giáo của 2 trường Tiểu học Kim Đồng và Hoàng Hoa Thám trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các đại biểu tham gia 6 bước rửa tay bằng xà phòng tại lễ mít tinh. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN |
Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Rửa tay với xà phòng là một việc làm tưởng chừng như rất đơn giản, ai cũng có thể làm được nhưng thực tế tỷ lệ người dân rửa tay thường xuyên với xà phòng còn thấp, kể cả trong các cơ sở y tế. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bàn tay không sạch có thể chứa hàng triệu vi khuẩn và rất nhiều tác nhân gây bệnh. Rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm tới 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn... Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn được hiểu như vắc xin hiệu quả, tiết kiệm, dễ thực hiện để bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, đối với học sinh- thế hệ tương lai của đất nước thì việc giữ sạch đôi bàn tay là điều kiện thiết thực nhất để phòng chống nhiều bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi các ngành, các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể, các tổ chức và cơ quan báo chí cùng phối hợp với ngành y tế tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch bệnh...
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính có liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới hàng năm. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán... Vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em. Các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng. Tại Việt Nam, theo niên giám thống kế y tế, bệnh tiêu chảy cũng là bệnh có tỷ lệ mắc cao thứ hai ở nước ta. Tuy vậy, việc rửa tay với xà phòng vẫn chưa trở thành thói quen thường xuyên của nhiều người dân.
Quang cảnh lễ mít tinh. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN |
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã hưởng ứng tích cực ngày “Thế giới rửa tay với xà phòng” với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh. Quỹ Unilever Việt Nam đã đồng hành cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo suốt nhiều năm trong hành trình bảo vệ sức khỏe và vệ sinh cho người dân và trẻ em Việt Nam với mục tiêu xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người.
Tại lễ mít tinh, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quỹ Unilever Việt Nam đã cam kết đồng hành triển khai Chương trình “Cải thiện vệ sinh và sức khỏe của người dân Việt Nam” và “Phát triển trường học Xanh Sạch Khỏe” giai đoạn 2017 – 2022. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các học sinh đã thực hiện nghi thức rửa tay với xà phòng thể hiện sự đồng lòng duy trì thói quen tốt giúp phòng chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh.
Ngày 15/10 hàng năm được Liên hiệp quốc lấy làm ngày “Thế giới rửa tay với xà phòng” với mục đích nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng, góp phần bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Ngày rửa tay với xà phòng năm nay được thế giới phát động với chủ đề “Bàn tay của chúng ta, tương lai của chúng ta”...
Thu Phương