Ngày 23/10, sau những trận mưa kéo dài nhiều ngày qua, rác thải tại bãi tập kết của Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã chảy tràn như thác lũ, vùi lấp vườn cà phê của người dân.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hiện trường, do bãi tập kết rác thải nằm trên đỉnh đồi cao, sau nhiều ngày mưa kéo dài, đất đá và một lượng lớn rác bị sạt lở, trôi xuống vùi lấp hoàn toàn vườn cà phê dọc theo triền đồi bên dưới. Vườn cà phê bị vùi lấp đã nhiều năm tuổi, đang chuẩn bị được thu hoạch của một gia đình ở xã Xuân Trường.
Theo quan sát, vệt sạt lở dài khoảng 30m, bề ngang khoảng 10m, như một dòng thác từ đỉnh đồi, tràn xuống chân đồi, vùi lấp vườn cà phê và cả dòng suối bên dưới. Một số cây thông lớn cũng bị sạt trôi, nằm ngổn ngang trong vườn cà phê. Sáng cùng ngày, Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường đã huy động 3 xe máy múc gạt bớt rác thải ở vị trí bị sạt lở để hạn chế lượng rác tiếp tục đổ xuống vườn của người dân.
Theo một số người dân, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng rác bị sạt lở xuống vườn, rẫy quanh khu vực Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường. Bà Tôn Nữ Thị Ngọc (xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt) cho biết, người dân sản xuất quanh khu vực đồi có Nhà máy rác rất lo lắng mỗi khi trời mưa bởi nguy cơ rác và đất đá trên đỉnh đồi có thể ập xuống vùi lấp vườn rẫy bất cứ lúc nào. Trong khi chi phí bỏ ra chăm vườn cà phê mỗi năm mấy trăm triệu đồng, nếu bị sạt lở vùi lấp xem như mất trắng nên các hộ dân cũng mong muốn được đền bù hay giải phóng mặt bằng để tìm vườn nơi khác yên tâm sản xuất.
Ngày 23/10, UBND xã Xuân Trường cũng làm việc với Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường và hộ dân bị thiệt hại. Địa phương yêu cầu Nhà máy có phương án xử lý hiện trường, múc toàn bộ rác thải bị sạt lở về khu vực tập kết của nhà máy; đồng thời tổ chức kiểm tra, bồi thường thiệt hại cho người dân địa phương.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường (do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư) đang hoạt động với 3 dây chuyền tách lọc, 3 lò đốt, công suất xử lý bình quân 350 tấn rác/ngày đêm. Từ năm 2020 đến tháng 10/2023, Nhà máy này đã xử lý gần 376.000 tấn rác cho thành phố Đà Lạt.
Từ tháng 5/2024 đến nay, Nhà máy rác nhiều lần có thông báo sẽ ngừng hoạt động và tiếp nhận rác vì không đủ kinh phí do đơn giá xử lý rác quá thấp. Đến cuối tháng 9/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét đề nghị phê duyệt đơn giá xử lý rác thải để duy trì hoạt động của nhà máy xử lý rác cho thành phố Đà Lạt.
Nguyễn Dũng