Ngày 4/12, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và gia đình Nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp tổ chức Lễ trao 240 suất học bổng Dương Kỳ Hiệp năm 2020 (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) tặng 240 học sinh hiếu học tiêu biểu ở cấp Trung học cơ sở của tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi Lễ, ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng khẳng định, qua nhiều năm đi vào hoạt động, Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp thực sự là nguồn động viên lớn, cổ vũ tinh thần hiếu học, tạo động lực và hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh nghèo khó, học sinh đồng bào dân tộc bước tiếp được trên con đường học vấn. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong xã hội hóa giáo dục, góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp được thành lập ngày 31/5/2012 với mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo, đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật, vùng kinh tế khó khăn được học tập tốt, trở thành người có ích phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và quê hương Sóc Trăng nói riêng. Qua 8 năm hoạt động, Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp đã vận động được trên 4 tỷ đồng, trao 1.745 suất học bổng tặng học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Dương Kỳ Hiệp là Nhà cách mạng tiêu biểu. Ông sinh ra ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Tháng 9/1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 3/1945, ông là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và được chỉ định làm Ủy viên Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Từ 1960 - 1964, ông giữ chức vụ Vụ phó, rồi Vụ trưởng Vụ Tài vụ của Bộ Kinh tế - Tài chính Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1970, ông được phân công làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Viện trợ Thống nhất Trung ương.
Tháng 4/1975, ông giữ quyền Bộ trưởng Kinh tế, Tổng Giám đốc Nha Tài chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch miền Nam. Năm 1977, ông nghỉ hưu và mất ngày 8/4/2000.
Chanh Đa