Ngày 21/1, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Phân hiệu Ninh Thuận tổ chức hội thảo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận hội tụ đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh xác định là một trong sáu nhóm ngành trụ cột. Những năm qua, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Trong 4 năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh thực hiện một cách mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã quy hoạch và hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn VietGAP… áp dụng theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh hiện đang tiếp cận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; trong đó, xác định mục tiêu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phục vụ tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên đối với Ninh Thuận, khó khăn và thách thức lớn nhất vẫn là bài toán về nguồn nước tưới cũng như nguồn lực đầu tư, thu hút đầu tư, hạ tầng kỹ thuật… Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng chỉ mới bắt đầu, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư làm hạt nhân, việc chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản còn lạc hậu, việc liên kết sản xuất gắn với chế biến chưa đủ mạnh… nên đã kìm hãm sự phát triển.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập như hiện nay là xu thế tất yếu, đòi hỏi địa phương như Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung phải xây dựng kịch bản thật chi tiết, có lộ trình thực hiện đúng đắn, phù hợp thực tiễn và đặc biệt là phải theo đúng 4 nguyên tắc như quy định…
Giáo sư Nguyễn Kim Lợi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần phải đáp ứng nhiều tố cũng như điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, không phải địa phương hay tỉnh, thành nào cũng có được. Mấu chốt quan trọng là làm sao phải định hình, định dạng, có hướng đi thật vững chắc.
Cụ thể là phải lập quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tham gia đầu tư vào; đồng thời tạo sự liên kết thật vững chắc để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm…
Ông Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết thêm, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, yếu tố quan trọng đó là Ninh Thuận phải rà soát và có quy hoạch cụ thể, phải phân tích điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phải xác định yếu tố thị trường và sản phẩm chủ lực của tỉnh để tạo sự khác biệt, mang tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, địa phương cũng phải chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh; hình thành trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nâng cao…
Ông Phạm Bảo Dương còn cho rằng, vừa qua, tỉnh Ninh Thuận và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác hỗ trợ ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển. Đây là điều kiện rất tốt cho tỉnh, bởi Học viện sẽ giúp đỡ cho ngành nông nghiệp của tỉnh về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đồng thời sẵn sàng giúp thành lập doanh nghiệp công nghệ, cung cấp công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Qua hội thảo, các nhà khoa học cũng đã khuyến nghị ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cần cụ thể đề án thành một số dự án, chương trình ứng dụng công nghệ cao; phải rà soát, kiểm tra ngay từ đầu về một số dự án khi đi vào đầu tư nhưng chỉ thực hiện một số điều kiện như bao lưới sản phẩm hay lắp đặt hệ thống tưới tiêu… mà cho là nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao thành công thì Ninh Thuận phải thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong xu thế hội nhập, Việt Nam nói chung và Ninh Thuận nói riêng không thể đứng ngoài nền nông nghiệp thông minh. Nếu không, ngành nông nghiệp sẽ lãng phí cơ hội, đối mặt nguy cơ cơ tụt hậu xa.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 2021-2025, địa phương sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 có từ 3 – 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí, với diện tích trên 1.000 ha.
Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để hình thành ít nhất 3 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu có hơn 20 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả, giá trị sản xuất trên 1 hecta đất trung bình đạt 500 triệu đồng trở lên.
Để thực hiện hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn tới, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề ra giải pháp đó là tiếp tục thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường liên kết hợp tác và xúc tiến đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển; đồng thời xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ cung ứng cây, con giống, thiết bị, vật tư…
UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích và tạo thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đặc biệt UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Qua đó, cùng đồng hành, giúp các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuận lợi phát triển.
Công Thử