Bài 2: Hệ lụy được báo trước
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong phát triển đô thị cho thấy, phải đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, đó là nền tảng của quy hoạch đô thị. Nhiều nhà chiến lược đô thị khẳng định “đầu tư cho hệ thống này là cho phát triển, cho mai sau”. Với Hà Nội, tương lai kỳ vọng ấy sẽ vẫn chỉ ở trong giấc mơ của cả nhà quản lý và cư dân nếu chỉ loay hoay chống đỡ các khủng hoảng hiện tại mà không có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Quá tải hạ tầng
Từ trước năm 2010, khi Hà Nội chưa được mở rộng, một số kiến trúc sư đã dự báo rằng, chỉ trong vòng 10 năm tới, đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải cục bộ tại nhiều khu vực. Đặc biệt, với việc quy hoạch dồn nén các khu đô thị “chỉ để ở” phía Tây và Nam Hà Nội, sẽ khiến nhiều tuyến đường xuyên tâm của Thủ đô trở thành những “cống người” vào mỗi sáng sớm hay lúc chiều xuống. Tình cảnh tắc đường diễn ra ở nhiều tuyến phố, nhiều thời điểm và nhiều năm kéo dài.
Điều đáng nói, với diện tích đất nội thành đã tăng gấp đôi, gấp ba thì tổng diện tích đất dành cho giao thông của 7 nội thành Hà Nội cũ chỉ có 83 km2; trong đó, diện tích đường chỉ chiếm 6,18%; khu vực ngoại thành mới có 0,9%.
Cũng do quy hoạch chắp vá, tầm nhìn ngắn hạn, phát triển “nóng” nên hàng loạt khu đô thị nằm dọc trục đường Lê Trọng Tấn, khu vực đại lộ Thăng Long có quy mô lớn như: Khu Thiên Đường Bảo Sơn; khu Nam An Khánh 288 ha; Khu Bắc An Khánh trên 250 ha, Khu Dương Nội..., đã được xây dựng cả chục năm nhưng hệ thống hạ tầng; trong đó có hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều cư dân ở đây vẫn nói với nhau "cứ mưa to là rẽ sóng ra khơi, đi thuyền trên phố".
Lý giải về nguyên nhân gây ngập úng, đại diện chính quyền các phường, xã quận Hà Đông, huyện Hoài Đức nơi có các khu đô thị trên cho rằng, toàn bộ hệ thống thoát nước khu vực phía Tây và dọc đại lộ Thăng Long hiện đang phụ thuộc vào việc tự chảy.
Còn tại các khu đô thị phía Tây, Tây Nam thuộc các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, hệ thống thoát nước đều được dẫn ra sông Nhuệ. Trong khi đó, con sông này cũng như các kênh, mương khác đều là thoát nước bán nông nghiệp chứ không phải làm nhiệm vụ chống ngập cho đô thị.
Quy hoạch bị phá vỡ, không chỉ gây tắc đường, úng ngập mà còn tạo ra sự thiếu hụt hạ tầng xã hội khác. Qua tìm hiểu, hiện nhiều khu chung cư trên địa bàn phường Hoàng Liệt, Linh Đàm (Hoàng Mai), Vạn Phúc (Hà Đông), Phú Diễn (Bắc Từ Liêm)… đang thiếu trường học, dẫn tới học sinh phải học nhờ, học tạm khiến nhiều phụ huynh lo lắng và bức xúc.
Từ đô thị lớn, nhân bản tới các đô thị nhỏ khiến giờ đây tìm đất xây trường học, nhà trẻ tại một số khu vực trên địa bàn Thủ đô trở nên nan giải. Nguyên nhân của tình trạng này là do các chủ đầu tư khu đô thị chỉ lo xây nhà để bán mà chưa thực hiện xây trường học phục vụ cư dân theo quy hoạch được duyệt.
Mặt khác, thiếu thiết kế đô thị và sự manh mún trong quy hoạch đã khiến mặt tiền nhiều tuyến phố bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc. Thêm vào đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên ồ ạt, nhưng không có nhà ở đi kèm.
Và đáng chú ý, theo qui hoạch phát triển Thủ đô trước đây, 9 khu công nghiệp cũ kết bè với hàng loạt các khu công nghiệp mới đã tạo thành một vành đai bủa vây Hà Nội. Hậu quả, từ bất cứ hướng gió nào, về mùa đông cũng như mùa hè không khí ô nhiễm công nghiệp đều thổi vào nội thành.
Thiếu không gian công cộng
Không chỉ có vậy, ở thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, sự thượng tôn pháp luật bị xem nhẹ khiến nhà đầu tư khi xin được đất là tìm cách tăng phòng, nâng tầng mà xem nhẹ các không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa, đường dạo…. Số lượng các không gian này đang ngày càng tỷ lệ nghịch với số các khu đô thị mới, những cao ốc văn phòng chọc trời mọc lên ngày càng nhiều.
Thực tế cho thấy, có những dự án đã xin điều chỉnh nhiều lần và mỗi lần điều chỉnh thì không gian công cộng lại bị thu hẹp. Chủ đầu tư chỉ tập trung vào phục vụ lợi ích kinh tế mà không hướng tới việc xây dựng một thành phố đa chức năng thân thiện với cuộc sống con người.
Theo thống kê, Hà Nội chỉ còn 0,3% lãnh thổ dành cho các công viên, hay bình quân đầu người dân đô thị chưa đạt mức 1 m². Nếu tính toàn thành phố mở rộng cũng chỉ có khoảng 60 công viên, quá ít so với diện tích của thành phố. Đó là chưa kể, công viên không được bố trí hợp lý khiến cho một nửa số người dân đô thị Hà Nội không được thưởng ngoạn và sử dụng thường xuyên.
Chính quyền thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2020 phải nâng diện tích công viên bình quân đầu người dân đô thị lên 16 m². Song, trước những diễn biến trong quy hoạch và thực thi quy hoạch cho thấy, mục tiêu này rất khó đạt tới, những cải thiện về quy mô và chất lượng không gian công cộng đô thị dường như vẫn rất ít.
Nhiều người đã ví von Hà Nội trở thành 3.600 phố phường với dân số tăng gấp đôi, dân số khống chế trong quy hoạch hơn 10 năm trước nhanh chóng bị phá sản. Dân số tăng nhanh, hạ tầng không kịp đáp ứng, vì thế các nguồn lực của thành phố cứ dồn mãi cho giải phóng mặt bằng, chống ngập, chống ùn tắc, mở đường, ô nhiễm môi trường…. Điều đó cũng đồng nghĩa, vòng luẩn quẩn chưa thể dứt khi mà tầm nhìn cũng quẩn quanh với những giải pháp tình thế, trước mắt.
Loay hoay tìm cách gỡ rối
Để tháo gỡ những hệ lụy trong quản lý quy hoạch, Hà Nội đã nỗ lực di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm cùng với bệnh viện, trường học ra khỏi vùng lõi nhưng những khó khăn, trở ngại về đất đai, chuyển đổi công nghệ… khiến kế hoạch luôn chậm.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đến nay, nhiều đơn vị đã di chuyển đến địa điểm mới, nhưng chưa bàn giao quỹ đất cũ cho thành phố mà sử dụng làm cơ sở 2. Do đó, việc đề xuất bổ sung hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố chưa thực hiện được.
“Việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô đã thực hiện từ nhiều năm qua, vấn đề vướng mắc hiện nay là việc sử dụng quỹ đất của các bộ, ngành sau khi di dời. Nhưng việc này không thuộc thẩm quyền quyết định của Hà Nội”, một vị cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết.
Có thể thấy, việc di dời đã khó nhưng sử dụng đất sau di dời lại còn khó hơn. Bởi trước việc Hà Nội cần nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hạ tầng, những khu “đất vàng” lại được đem ra đấu giá và khi trúng thầu, chủ đầu tư sẽ biến khu đất đó thành trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở. Tức là vẫn chưa tránh khỏi cái vòng luẩn quẩn nhồi chung cư vào nội thành.
Phá vỡ quy hoạch đã gây ra những hệ lụy khó lường, dai dẳng, vì vậy trước đòi hỏi phải xây dựng một Thủ đô xứng tầm, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thảo quy mô trong nước và quốc tế, để tìm ra những ý tưởng mới lạ giúp tái thiết đô thị Hà Nội. (còn tiếp)
Minh Nghĩa – Mạnh Khánh
(TTXVN)