Tháng 10 vừa qua, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu thiệt hại liên tiếp do 5 trận lũ lụt và cơn bão số 9 hoành hành. Sau lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước, hạn chế các dịch bệnh có thể xảy ra, Quảng Trị đang nỗ lực triển khai tập trung xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Quảng Trị, các đợt mưa bão vừa qua đã khiến trên địa bàn có 98/124 xã, phường, thị trấn bị ngập lụt chia cắt. Mưa lũ, xác gia súc, gia cầm, rác thải, bùn non và nước bẩn là những yếu tố chứa mầm bệnh. Nước lũ đã rút nhưng các bể chứa và giếng nước của người dân đều bị đục ngàu. Người dân Quảng Trị đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
Bà Lê Thị Dung, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong chia sẻ: “Lũ lụt kéo dài khiến nguồn nước giếng và bể nước của gia đình nói riêng và bà con trong xã nói chung bị ô nhiễm nghiêm trọng không thể sử dụng được. Chúng tôi chỉ có cách tạm thời dùng nước mưa hoặc mua nước đóng chai để dùng. Những ngày qua, các cán bộ y tế đã phối hợp với xã cử người về hỗ trợ bà con sử dụng hóa chất để xử lý nguồn nước. Nhờ vậy, người dân có nguồn nước sạch để sinh hoạt trước mắt”.
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đã và đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Nguy cơ xảy ra các dịch bệnh sau lũ là rất lớn. Trước thực trạng trên, tỉnh đã cấp 5 tấn Chloramin B, 15.000.000 viên khử nước Aquatabs, 20.000 lít hóa chất Benkocid, 30.000 lít Han-Iodine, 30.000 lít Vetvaco-Iodine, 50 tấn Chlorine 65%... cho các địa phương để xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường. Đồng thời, trên 300 cơ số thuốc được cấp để kịp thời khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ.
Ông Nguyễn Văn Hạt, Trưởng Khoa Y tế công cộng – Truyền thông, Trung tâm Y tế Triệu Phong cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, đơn vị đã cấp các loại hóa chất như: Chloramin B, vôi bột, phèn chua… Đồng thời, đơn vị cắt cử cán bộ về các địa phương phối hợp với chính quyền vận động người dân ra quân vệ sinh môi trường, hướng dẫn cho bà con cách xử lý nguồn nước để sử dụng sau lũ lụt. Cùng với đó, đơn vị tăng cường phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết và thực hiện…
Theo khuyến cao của các ngành chức năng, sau lũ lụt, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh về tiêu hóa, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da… Bên cạnh công tác khử trùng, xử lý môi trường nước sau lũ của các cấp, các ngành chuyên môn, mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc thực hiện phương châm “ăn chín, uống sôi” để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Thanh Thủy