Việc phát triển trồng cây chè vằng nguyên liệu mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân. Ảnh : baomoi.com |
Đến đầu tháng 11/2018, tỉnh Quảng Trị có 63 ha chè vằng; trong đó, có 53 ha nuôi trồng, diện tích còn lại là chè vằng tự nhiên, cho tổng sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Chè vằng được trồng tập trung ở thành phố Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và Hải Lăng. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, tỉnh Quảng Trị đã ứng dụng công nghệ để sản xuất thương mại chè vằng hòa tan với thương hiệu “Tralavang”. Hiện nay, sản phẩm “Tralavang” được thị trường rất ưa chuộng, bởi ngoài làm nước uống, “Tralavang” còn hỗ trợ chức năng gan, kháng viêm, thải độc chống lão hóa. Tương tự, tỉnh Quảng Trị cũng đã nuôi trồng được 30 ha cà gai leo cho tổng sản lượng khoảng 72 tấn/năm. Hiện nay, tỉnh đã sản xuất thương mại sản phẩm từ cà gai leo kết hợp với nấm linh chi có thương hiệu “Cà gai leo – linh chi hòa tan Cagali”. Ngoài công dụng làm nước uống, sản phẩm “Cà gai leo – linh chi hòa tan Cagali” còn hỗ trợ cho người bị các bệnh về gan. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã bảo tồn và trồng đại trà được 8 loại cây dược liệu gồm: ba kích 219 ha, chè vằng 63 ha, cà gai leo 30 ha, đinh lăng 18 ha, sả 143 ha, nghệ gần 400 ha, gừng trên 89 ha, trạch tả trên 2 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, trong giai đoạn 2018-2025, tỉnh ưu tiên phát triển 6 cây dược liệu gồm: ba kích 300 ha ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ; gừng 300 ha ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ, Triệu Phong và thành phố Đông Hà; nghệ 1.5000 ha ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ; sả 200 ha ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ, Đakrông, Hải Lăng, Triệu Phong; chè vằng 400 ha ở thành phố Đông Hà và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng; đinh lăng 50 ha ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu như: kinh phí mua giống, phân bón, công làm đất, vay vốn ưu đãi…
Nguyên Lý