Ngày 3/10, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, đơn vị đã ra văn bản gửi Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) về việc hỗ trợ cứu hộ, xua đuổi, di dời đàn voọc gáy trắng hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh cắn người tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đề nghị, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật để thực hiện xua đuổi hoặc di dời 3 cá thể voọc gáy trắng ở xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa đi nơi khác nhằm bảo vệ, bảo tồn loài động vật nguy cấp quý hiếm này; đồng thời bảo vệ an toàn cho người đi đường.
Thời gian gần đây, trên địa bàn hai thôn Cha Lỳ và Sê Pu thuộc xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa xuất hiện đàn voọc gáy trắng gồm 3 cá thể, thường xuyên xuống ven đường giao thông liên thôn và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để rượt đuổi, cắn người qua lại. Từ cuối tháng 7 đến nay, đàn vọoc gáy trắng này đã xuống ven đường cắn và gây thương tích cho 9 người.
Mặc dù, lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp vừa xua đuổi vừa đảm bảo an toàn cho đàn voọc như: Tổ chức chốt trực thường xuyên vào ban ngày, tuyên truyền cho người dân bảo vệ và cảnh giác khi đi qua nơi có đàn vọoc xuất hiện, xua đuổi để voọc trở lại rừng sâu. Đáng chú ý, những ngày đầu tháng 10/2020, lực lượng chức năng đã căng lưới dài 800m, dọc đường giao thông liên thôn Cha Lỳ và Sê Pu, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để ngăn đàn voọc xuống ven đường rượt đuổi và cắn người. Tuy nhiên, những biện pháp này mang lại hiệu quả không cao và khó có thể thực hiện lâu dài. Do đó đàn voọc gáy trắng tiếp tục xuống ven đường rượt đuổi và cắn người, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Mặt khác, đàn voọc cũng có thể bị xâm hại do có thể bị tai nạn hoặc người dân tự vệ khi bị voọc tấn công.
Như TTXVN đã đưa tin, ngày 27/8 vừa qua, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã ra văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ chó nghiệp vụ becgie, để xua đuổi đàn voọc gáy trắng xuất hiện ở xã Hướng Lập quay vào rừng sâu; vì theo ý kiến của các chuyên gia loài voọc này rất sợ chó becgie. Tuy nhiên, phương án này không được thông qua do không mang lại hiệu quả.
Được biết, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, có nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu hộ và tái thả các loài linh trường nguy cấp quý hiếm, đặc biệt là voọc gáy trắng. Voọc gáy trắng là loài động vật rừng thuộc diện nguy cấp, quý hiếm (thuộc nhóm IB), thường sống ở vùng đá vôi cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nguyên Lý