Để bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích cho các thế hệ mai sau, trước, trong và sau khi được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Trị đã phân định và có kế hoạch quy hoạch khu di tích. Theo đó, các ngành chức năng và các cấp chính quyền của huyện Triệu Phong đã xác định địa điểm và khu vực của dinh Ái Tử trên địa bàn thị trấn Ái Tử và xã Triệu Ái (điểm đóng doanh trại đầu tiên của Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị) và 2 dinh Trà Bát, dinh Cát tại xã Triệu Giang để ngăn chặn không cho người dân vào khai thác hoa màu, xây dựng nhà ở... Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cùng với các hội, đoàn thể tích cực tổ chức tuyên truyền rộng rãi để nhân dân biết và tránh xâm hại đến khu di tích.
Các ngành liên quan và chính quyền các cấp huyện Triệu Phong đang tích cực quy hoạch 3 địa điểm là dinh Ái Tử, dinh Trà Bát và dinh Cát tạo thành một hệ thống, một chỉnh thể không tách rời nhau, qua đó tạo ra không gian lưu niệm lịch sử để tôn vinh, tưởng niệm về công lao của các chúa Nguyễn trong quá trình mở rộng bờ cõi đất nước và cũng là để tạo ra khu du lịch lịch sử, văn hóa và tâm linh, góp phần quảng bá nền văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Trị. Đối với khu vực dinh Ái Tử, tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng Khu công viên tôn vinh lịch sử thời chúa Nguyễn, bao gồm các hạng mục: Tượng đài Nguyễn Hoàng với hình tượng “Người mở cõi”, Bảo tàng lịch sử thời chúa Nguyễn, trưng bày những tài liệu, hiện vật, ảnh tư liệu liên quan đến quá trình dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Quảng, cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển Đàng Trong của các chúa Nguyễn trong tiến trình lịch sử dân tộc... Khu vực di tích dinh Trà Bát và dinh Cát sẽ được quy hoạch xây dựng Khu tưởng niệm lịch sử thời chúa Nguyễn với các hạng mục: Khu đền thờ các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, 7 vị tiên vương Nguyễn Hoàng, Thượng Vương, Hiền Vương, Nghĩa Vương, Minh Vương, Võ Vương… Bên cạnh đó, các công trình liên quan đến thiết chế cơ sở hạ tầng của sở lỵ thời kỳ các chúa Nguyễn như các miếu thờ, các mô súng, bãi trận, cồn tập… cũng được phục dựng để mang đến cái nhìn tổng quan về những ngày đầu các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi trên mảnh đất Quảng Trị.